Muôn kiểu chống rét
Hộ ông Nguyễn Chí Nhị ở Khu 3, xã Minh Châu, huyện Ba Vì hiện đang nuôi 12 con bò. Với kinh nghiệm nuôi bò hơn 20 năm nay, năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa, gia đình ông thu gom, tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho bò vào những ngày mùa Đông giá rét. Thời điểm này, ngoài thức ăn thô xanh, gia đình ông còn bổ sung thêm các loại thức ăn tinh như cám gạo, cám ngô và các loại vitamin, khoáng chất trong khẩu phần ăn của đàn vật nuôi. Cho bò uống nước ấm có hòa muối loãng tỷ lệ khoảng 10g/lít nước.
Bên cạnh đó, ông đã chủ động mua bạt về gia cố, che chắn chuồng trại, lót nền bằng rơm. Về ban đêm, gia đình ông còn ủ trấu đốt lửa cạnh chuồng để sưởi ấm cho bò, đồng thời để xua đuổi côn trùng.Tương tự, tại trang trại chăn nuôi gia cầm của anh Ngô Trọng Hiển, xã Thụy An, huyện Ba Vì hiện đang nuôi hơn 2 vạn gà. Toàn bộ chuồng nuôi được anh quây kín và thắp điện sưởi ấm cả ngày, cả đêm. Theo chia sẻ của anh Hiển, từ đầu mùa Đông tới nay, chi phí chăn nuôi của gia đình tăng vọt do sử dụng các biện pháp chống rét cho gà. Cụ thể, tiền điện tăng từ 3 triệu đồng lên 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chế độ ăn của gà cũng tăng hơn, ngoài bổ sung các loại vitamin, men tiêu hóa, trung bình mỗi ngày, lượng cám cũng tăng gần 2 tạ. “Chi phí chăn nuôi tăng cao nhưng hiện giá gà xuất chuồng chỉ đạt 65.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình đang chịu lỗ 10.000 đồng/kg” – anh Hiển cho hay.Trong khi đó hộ gia đình anh Lê Văn Lâm, ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên hiện đang lo chống rét cho 11 mẫu ao nuôi cá. Theo kinh nghiệm của anh Lâm, vào mùa Đông anh duy trì giữ độ sâu nước ao từ 1,4 - 1,5m. Trên mặt nước thả bèo tây hoặc cỏ để chắn gió, tạo nơi trú ẩn cho cá, đồng thời dùng quạt oxi để tăng khả năng hấp thụ cho vật nuôi. “Để tăng sức đề kháng cho cá, tôi dùng tỏi tươi xay nhuyễn trộn vào thức ăn với liều lượng 100g tỏi/100kg cá” – anh Lâm bật mí.Chủ động phòng, chống dịch bệnhTheo thông tin từ phòng Kinh tế huyện Thường Tín, hiện trên địa bàn huyện có 22.907 con trâu, 6.538 con bò, trên 111.000 con lợn và 908.810 con gia cầm. Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường, thời tiết chuyển rét đậm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền trên loa truyền thanh đến các thôn, xóm và cũng khuyến cáo người chăn nuôi phải chủ động phòng chống dịch bệnh, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm.Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, mặc dù nhiều năm trở lại đây, địa bàn Hà Nội không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc nào trên đàn vật nuôi vì đói, rét song người dân tuyệt đối không nên chủ quan. Vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có công văn yêu cầu các huyện thành lập tổ công tác kiểm tra việc tổ chức, thực hiện của UBND từng xã, phường, thị trấn trong việc đôn đốc công tác phòng chống đói, rét tại những cơ sở, trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể để huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng những biện pháp chống đói, chống rét cho đàn vật nuôi. Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi. Hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia đình gia cố, che chắn chuồng trại.
"Vào mùa Đông, nhiệt độ giảm sâu khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm, là nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Do vậy, người chăn nuôi bên cạnh việc triển khai các biện pháp chống rét, cung cấp đủ lượng thức ăn, còn cần phải tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi." - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn |