Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này trùng với thời điểm thu hoạch vải thiều và một số loại trái cây khác đang dấy lên lo ngại về một đợt “giải cứu” nông sản mới. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, uớc tính niên vụ 2021, sản lượng vải thiều của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đạt 250.000 tấn; trong đó tiêu thụ quả tươi xuất khẩu chiếm 50% và tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay đang đặt ra thách thức lớn cho xuất khẩu.Khó khăn chưa dừng lại ở đó, theo nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý, sắp tới nhiều loại nông sản, trái cây khác như dưa hấu, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn... vào vụ thu hoạch trong khi Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính sẽ tạo áp lực lớn về tiêu thụ cho người nông dân và DN. Mặt khác, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vẫn đang khiến chi phí sản xuất, lưu kho, bảo quản nông sản tăng cao và chắc chắn không thể tránh khỏi hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm trễ.Theo sát diễn biến thị trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã sớm có công văn chỉ đạo nhằm tránh tình trạng bị động xử lý việc nông sản bị ùn ứ do dịch bệnh. Tuy nhiên, để hoạt động tiêu thụ nông sản được thuận lợi và mang lại hiệu quả cao nhất trong bối cảnh dịch bệnh được dự báo còn kéo dài, đòi hỏi chính các địa phương phải chủ động thực hiện các giải pháp hợp lý cho từng mặt hàng. Đơn cử như tại Hải Dương, ngày 18/5 vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh năm 2021, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hay tại Bắc Giang, ngày 26/5, UBND tỉnh đã tổ chức lễ xuất hành lô vải chín sớm với số lượng 20 tấn của huyện Tân Yên sang thị trường Nhật Bản.Giảm xuất thô, tăng tiêu thụ onlineCam kết đồng hành cùng các địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, các địa phương cần tuân thủ quy định chi tiết về quy trình thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các vùng có dịch. Đối với Bắc Giang, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Về phía các DN xuất khẩu đặc biệt chú ý xây dựng quy trình xuất khẩu theo đường chính ngạch.Để giảm áp lực tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cùng với việc phát triển nhiều loại hình bán lẻ online, các nhà máy chế biến nông sản cần tăng công suất, tập trung vào phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, đồ hộp, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon… Mặt khác, các tỉnh, TP cần thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường; đồng thời thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh, kiểm soát thu mua từ hợp tác xã để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Cùng với đó, nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản bên cạnh thị trường truyền thống.Dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Nhưng cũng là cơ hội để cả người sản xuất và DN tìm ra cách thức tiếp cận mới với đối tác, khách hàng. Về lâu dài, điều này cũng mang lại nhiều giá trị hữu ích, trong đó phải kể đến việc xúc tiến thương mại trực tuyến, bán hàng trực tuyến và nhất là đẩy mạnh chế biến sâu nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao.
Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đã thông tin đến Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam ở các nước về thị trường tiêu thụ và những điều chỉnh mới về chính sách nhập khẩu để chủ động xuất khẩu nông sản, thích ứng diễn biến dịch Covid-19. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã lên kế hoạch thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới. |