Chủ động dự trữ hàng cho thị trường Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (2014), lượng tiêu thụ hàng hóa được dự báo sẽ tăng khoảng 15 - 18% so với các tháng trong năm, lên đến 38.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc đảm bảo đủ nguồn cung đã được ngành công thương và nhiều doanh nghiệp (DN) chuẩn bị từ rất sớm.

Hiện, các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng 2.500 tỷ đồng. Tổng Công ty lương thực Miền Bắc dự trữ khoảng 50.000 tấn gạo trong đó khoảng 20.000 tấn là gạo đặc sản và gạo nếp. Các DN thương mại, chăn nuôi dự trữ trên 1.000 tấn thịt sạch, 6 triệu quả trứng gia cầm, 300 tấn hải sản đông lạnh, 1.500 lít dầu ăn, 2.000 tấn rau củ.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Để đảm bảo lượng hàng cung ứng cho thị trường trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các DN thuộc đơn vị sẽ dự trữ và bán ra thị trường lượng hàng trị giá khoảng 1.095 tỷ đồng. Hapro đã tăng cường liên kết với các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Kạn… từ đó khai thác nguồn hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm tươi sống. Là trung tâm thương mại lớn nên siêu thị BigC cũng đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm từ 6 tháng trước. 

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị BigC cho hay: Đến thời điểm này, Big C đã hoàn thành việc thương lượng với các nhà cung cấp để có nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý, kèm theo các chương trình khuyến mãi cho khách hàng dịp cuối năm.  

Thông tin từ các DN tham gia cung ứng hàng Tết cho thấy, hiện hầu hết các DN đã chủ động khai thác nguồn hàng cũng như các phương án kinh doanh dịp cuối năm. Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành thương mại sẽ triển khai 610 điểm bán bình ổn giá cố định được treo biển nhận diện và khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng… không treo biển nhận diện nhưng bảo đảm giá bán ổn định theo bảng giá của Bộ Tài chính. Hoạt động này sẽ có tác dụng ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá giả tạo.

Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Công Thương nắm chắc tình hình chung về cung cầu thị trường; tăng cường kiểm soát giá cả, hàng lậu, hàng giả, ATTP tại các chợ, hội chợ, siêu thị; các DN thương mại đẩy mạnh hơn nữa việc mở rộng các điểm bán hàng lưu động để đưa hàng thiết yếu đến người dân. Sở Công an và GTVT tạo điều kiện cho xe chở hàng hóa vào nội thành trong giờ cao điểm phục vụ nhu cầu hàng hóa Tết Nguyên đán.