Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động hơn trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi tỷ giá thay đổi theo biên độ nhỏ hàng ngày, bản thân người dân và doanh nghiệp cũng sẽ quen với việc tỷ giá biến động. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong việc phòng chống rủi ro tỷ giá.

Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác.
Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Theo đó, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Về cơ bản, tỷ giá niêm yết và giao dịch hàng ngày của các ngân hàng sẽ biến động nhanh và sát cung cầu thị trường hơn. Cơ chế này khá tương đồng với cách điều hành tỷ giá mà Trung Quốc đã áp dụng từ 2005 tới nay, vốn được gọi là cơ chế thả nổi có kiểm soát

Cùng với tỷ giá trung tâm, cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN còn bổ sung công cụ phái sinh.

Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải cho biết, NHNN đã quyết định đúng đắn khi chuyển qua cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn trong năm 2016 thay vì neo tỷ giá cố định một thời gian dài và điều chỉnh tỷ giá mạnh từng đợt. Trung Quốc đã chuyển qua cơ chế tỷ giá linh hoạt vào tháng 8 dựa trên cung cầu thị trường. Tỷ giá các đồng tiền của các thị trường mới nổi cạnh tranh trực tiếp về xuất khẩu với Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong 2016.

“Do đó, cơ chế tỷ giá linh hoạt của NHNN sẽ giúp giảm áp lực tích tụ quá lâu và tạo sự thông thoáng trên thị trường ngoại hối. Khi tỷ giá thay đổi theo biên độ nhỏ hàng ngày, bản thân người dân và doanh nghiệp cũng sẽ quen với việc tỷ giá biến động và doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong việc phòng chống rủi ro tỷ giá”, Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải chia sẻ.

Được biết, trước đợt biến động tỷ giá tháng 8/2015, có 90% doanh nghiệp nhập khẩu không bảo hiểm tỷ giá, số 10% còn lại là các công ty đa quốc gia, sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá theo chính sách chung của tập đoàn. Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cho hay, lâu nay tỷ giá thường ít biến động nên những người làm công tác quản lý và tài chính của DN không phải tư duy nhiều. Nhưng bây giờ, DN sẽ phải có bộ phận chuyên để nghiên cứu, dự báo giá cả của thị trường, xem xu hướng và sự biến động của đồng tiền để từ đó lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn.

Cũng theo lời khuyên của Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải, để có thể chủ động trước các diễn biến mới về tỷ giá, các doanh nghiệp nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai, chủ động tự bảo vệ thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN.