Chủ động nắm bắt cơ hội từ các FTA

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ngành NN&PTNT Hà Nội đã triển khai phổ biến đến các chủ thể sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo chuyển biến nhận thức về an toàn thực phẩm (ATTP) cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm.

Hội viên phụ nữ tham quan, mua sắm thực phẩm an toàn bên lề chương trình phổ biến kiến thức về các FTA. Ảnh: Trọng Tùng
Nắm bắt yêu cầu mới của thị trường

Vừa qua, chị Đinh Hải Yến, hiện đang sở hữu một chuỗi thực phẩm sạch, đặc sản vùng miền tại Hà Nội đã được tham gia chương trình phổ biến các quy định về sản xuất, kinh doanh ATTP và kiểm dịch động, thực vật trong khuôn khổ các FTA. Chương trình do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP tổ chức. Tại chương trình, chị Yến đã được cán bộ thuộc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam cung cấp thông tin về những điểm mới trong quy định về ATTP. Trong đó bao gồm cả những kiến thức về kiểm dịch động, thực vật của một số FTA.

Không chỉ những điểm mới từ các FTA, chị Yến cùng hàng trăm hội viên phụ nữ, chủ thể sản xuất, kinh doanh, đại diện một số hiệp hội, ngành hàng, DN, hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội còn được tiếp cận với những yêu cầu của một số thị trường nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Từ đó, có được định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình mới.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, trong những năm qua, các cấp Hội đã chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho hội viên về tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe cộng đồng. Thông qua kiến thức tiếp nhận được, cán bộ, hội viên phụ nữ các quận, huyện, thị xã sẽ góp phần lan tỏa, hỗ trợ, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về những điểm mới liên quan đến ATTP và kiểm dịch động, thực vật đến đông đảo hội viên, phụ nữ ở cơ sở. Qua đó, tạo điều kiện để các hội viên phụ nữ tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh mới, đáp ứng các yêu cầu phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế về ATTP…

Chuẩn hóa sản xuất

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có gần 2.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Để quản lý các cơ sở này, Sở NN&PTNT đã tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cụ thể, có 98% số cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp TP đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hơn 92% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đã ký cam kết sản xuất bảo đảm ATTP… Tuy nhiên, vấn đề quản lý vệ sinh ATTP còn nhiều khó khăn do triển khai quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, số lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ chưa nhiều.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của người dân Thủ đô là rất lớn. Không chỉ vậy, định hướng tương lai, Hà Nội cũng sẽ từng bước chuẩn hóa sản xuất để phục vụ mục tiêu xuất khẩu các ngành hàng nông sản, thực phẩm có tiềm năng, thế mạnh. Trong định hướng đó, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng sạch, sinh thái, hữu cơ, việc đáp ứng các tiêu chuẩn tiên tiến như: VietGAP, HACCP, ISO, đặc biệt là các quy định về kiểm dịch động, thực vật và ATTP trong khuôn khổ các FTA là hết sức quan trọng. Theo ông Tạ Văn Tường, trong bối cảnh hội nhập, điều này còn quan trọng hơn, bởi nếu không sản xuất an toàn, kinh doanh minh bạch thì nông sản, thực phẩm Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ thua ngay trên sân nhà khi các hàng rào thuế quan được mở ra.
Hà Nội đã có 138 chuỗi liên kết ATTP; trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ; 1.379 sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ… Nhiều loại nông sản của Hà Nội đã chinh phục được các thị trường khó tính như nhãn chín muộn xuất sang châu Âu, hoa cúc xuất sang Nhật Bản...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần