Chủ động phòng bệnh cho vật nuôi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết đang chuyển mùa, đây là thời điểm nhạy cảm dễ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm để tăng khả năng chống chịu trước tác động bất lợi từ thời tiết.

Phun khử khuẩn chuồng trại tại cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh ở Đông Anh. Ảnh: Phương Nga  
Phun khử khuẩn chuồng trại tại cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh ở Đông Anh. Ảnh: Phương Nga  

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo, cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về số lượng và đảm bảo về chất. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc. Ngoài ra, cần dự trữ một số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa… dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi.

Song song với đó, cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Vệ sinh sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh.

Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là cần chủ động phòng bệnh cho vật nuôi bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trước mùa mưa bão. Đối với trâu, bò, cần tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đối với đàn lợn, tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm long móng, tai xanh… Đối với đàn gia cầm, cần tiêm phòng bệnh Newcastel, Gumboro, cúm gia cầm. Vịt, ngan cần tiêm phòng dịch tả vịt, viêm gan do vi rút, vúm gia cầm, tụ huyết trùng.

Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường.

Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho thú y viên để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Sau bão lũ, khi nước rút cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả.