Chủ động phương án đưa lao động tại Libya về nước an toàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến sự ác liệt ở Thủ đô Tripoli và TP lớn thứ hai Benghazi của Libya đã bước sang tuần thứ ba và trở thành đợt bạo lực đẫm máu nhất tại quốc gia này kể từ khi chế độ của nhà độc tài Muammer Gaddafi bị sụp đổ năm 2011.

Tình hình quốc gia Bắc Phi ngày càng phức tạp đã đe dọa chính quyền non trẻ nơi đây và buộc nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia phải đóng cửa đại sứ quán, cơ quan đại diện và đưa lao động về nước.
Lao động Việt Nam tại Libya chuẩn bị về nước từ một trại tị nạn ở Tunisia năm 2011.                Ảnh: TTXVN
Lao động Việt Nam tại Libya chuẩn bị về nước từ một trại tị nạn ở Tunisia năm 2011. Ảnh: TTXVN
Trước tình trạng xung đột leo thang từng ngày, Quốc hội mới của Libya đã bất ngờ triệu tập phiên họp đầu tiên nhằm lập ra một chính phủ mới mà rất nhiều người hy vọng có thể thực sự chấm dứt khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này. Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, việc có gần 160 trong tổng số 200 nghị sĩ Quốc hội có mặt tại cuộc họp khẩn cấp được coi là một tín hiệu vui đối với chính trường Libya. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, các đảng phái Hồi giáo và thế tục tại Libya sẽ không dễ dàng gạt đi những bất đồng sâu sắc lâu nay để thành lập một Chính phủ đoàn kết dân tộc. Thậm chí, ngay cả khi thành lập được Chính phủ mới thì dư luận vẫn còn rất nhiều hoài nghi về khả năng thực sự vận hành bộ máy quản lý cũng như kiểm soát các lực lượng vũ trang đang chia rẽ hiện nay. Theo thống kê của Bộ Y tế Libya, gần 300 người thiệt mạng, khoảng 1.000 người bị thương do giao tranh giữa các nhóm vũ trang và cả với quân chính phủ.

Trước tình hình bất ổn tại Libya, ngày 4/8, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn gửi thông báo ý kiến của Thủ tướng về bảo hộ công dân Việt Nam tại Libya. Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH tạm dừng việc đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya; Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH có phương án, biện pháp bảo đảm an toàn tối đa cho người lao động Việt Nam; Khẩn trương có kế hoạch đưa 281 lao động đang làm việc tại Tripoli và Bengazi về nước; Theo dõi sát tình hình thực tế, chuẩn bị phương án và thời điểm đưa toàn bộ lao động Việt Nam tại Libya về nước khi tình hình diễn biến xấu. Thủ tướng cũng đồng ý cho sử dụng Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước để mua vé máy bay cho người lao động đối với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả.

Trên thực tế, theo Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến, Đại sứ quán đang nỗ lực phối hợp triển khai kế hoạch sơ tán các lao động về nước càng sớm càng tốt, nhất là số lao động tại 2 khu vực xảy ra chiến sự là Tripoli và Benghazi. Nhiều lao động Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng, xin visa quá cảnh sang các nước khác trong khu vực và yên tâm chờ ngày trở về. Sáng 4/8, một đoàn công tác đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập với  nhiều cán bộ có kinh nghiệm trong việc sơ tán người lao động trong các trường hợp khẩn cấp đã lên đường tới cửa khẩu Salloum, cách Thủ đô Cairo khoảng 650 km về phía Tây để đón tiếp các công nhân. Ngay sau khi thủ tục nhập cảnh vào Ai Cập cho các công nhân được hoàn tất, đoàn công tác sẽ đưa các công nhân về Cairo bằng đường bộ với phương tiện đã được chuẩn bị sẵn. Theo kế hoạch, sáng nay (5/8), Công ty Hyundai Amco của Hàn Quốc tổ chức chuyến bay đầu tiên trong kế hoạch đưa 682 công nhân Việt Nam từ Libya sang Ai Cập, sau đó bay tiếp về Việt Nam. Nhằm mục tiêu giúp các công nhân có thể trở về Việt Nam nhanh và thuận lợi nhất, Đại sứ quán Việt Nam đã đề nghị phía Ai Cập cho phép các lao động được quá cảnh ở sân bay quốc tế Cairo tối đa 72 giờ, thay vì 12 giờ như quy định và phía Ai Cập đã chấp nhận đề xuất này. Dự kiến, khoảng 1.050 người trong tổng số 1.550 lao động Việt Nam còn lại tại Libya sẽ được các công ty và chủ sử dụng lao động sơ tán trong những ngày tới.