Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động, sáng tạo để làm giàu trên chính quê hương mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/1, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đi thăm, kiểm tra một số mô...

Kinhtedothi - Sáng 20/1, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đi thăm, kiểm tra một số mô hình sản xuất nông nghiệp và làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức về tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Cùng đi có Phó chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Theo Bí thư Huyện ủy Vương Duy Hướng, năm 2014, công tác xây dựng đảng và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đạt 12,2%, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng (chiếm 93,6%; giảm tỷ trọng nông nghiệp (chiếm 6,4%); thu ngân sách đạt 444 tỷ đồng, vượt 30% dự toán TP giao; thu nhập bình quân 34 triệu đồng/người/năm, riêng khu vực làng nghề khoảng 40 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt là trong công tác xây dựng nông thôn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, 10/19 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã còn lại cũng đạt từ 14 – 16 tiêu chí trở lên. Điều này đã khiến cho diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Hiện trên địa bàn chỉ còn 1,51% hộ nghèo. 
Chủ động, sáng tạo để làm giàu trên chính quê hương mình - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy thăm mô hình trồng cây Phật Thủ tại xã Đắc Sở. Ảnh: Phạm Hùng
Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp giảm, tuy nhiên, bằng việc chủ động chuyển đổi, hình thành các vùng sản xuất cây chuyên canh (nhãn chín muộn 85ha, phật thủ 95ha, cam canh 95ha, rau an toàn 71ha…) nên hiệu quả kinh tế đem lại khá cao. Đơn cử như mô hình cây phật thủ được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước, cho thu nhập bình quân hàng năm đạt từ 800 triệu – 1 tỷ đồng/ha. 

Theo Phó chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, việc xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp đã giúp cho Hoài Đức bước đầu tạo được sự hiệu quả cao. Trong khi TP có trên 50 nghìn ha đất bãi năng suất rất thấp thì huyện lại phát triển hiệu quả kinh tế tốt khi biết tận dụng để hình thành những vùng cây chuyên canh. Đây là mô hình các địa phương nên học tập.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, đầu năm 2012, đồng chí cũng đã có dịp về thăm Hoài Đức và lần này trở lại, thấy diện mạo nông thôn đổi thay nhanh chóng, rõ nét. Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống người dân nâng cao hơn hẳn. Kết quả ấy là minh chứng cụ thể cho nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo cao của các cấp, các ngành.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Khi nói đến Thủ đô văn minh hiện đại là bao gồm cả khu vực nội thành và ngoại thành, chứ không riêng gì nội thành. Thực tế trong những năm qua, TP đã đầu tư lớn cho nông nghiệp, nông thôn. Điều này thể hiện ngay từ chương trình công tác được Thành ủy xây dựng với Chương trình 02 về xây dựng nông thôn mới, chỉ xếp ngay sau chương trình 01 về công tác xây dựng đảng. Theo Bí thư Thành ủy, nhờ sự quan tâm ấy, đến nay TP đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, trong đó huyện Hoài Đức là mô hình tiêu biểu. 
Chủ động, sáng tạo để làm giàu trên chính quê hương mình - Ảnh 2
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm trường mầm non Yên Sở. Ảnh: Phạm Hùng.

 
Phân tích sâu hơn về thành công này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chỉ rõ, chính công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường với đội ngũ cán bộ năng nổ, dám chịu trách nhiệm góp phần rất quan trọng. Kinh tế – xã hội phát triển là tiêu chí  thể hiện rõ năng lực của các tổ chức đảng. Đối với huyện Hoài Đức, dù sản xuất nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng nhờ cách làm chủ động, sáng tạo nên hiệu quả sử dụng đất và thu nhập người lao động đạt rất cao.

Bí thư Thành ủy cho rằng, nếu mô hình này được lan tỏa đến nhiều địa phương khác, chắc chắn con đường đi lên văn minh hiện đại của Thủ đô sẽ rất rõ nét. “Chúng ta có thể làm giàu trên chính quê hương mình, không nhất thiết phải ra đô thị, không nhất thiết phải ly nông”, đồng chí nói.

Nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu huyện Hoài Đức cần sớm khắc phục một số hạn chế trong công tác dồn điền đổi thửa, môi trường làng nghề, việc huy động các nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới. Đối với các tiêu chí nông thôn mới và đầu tư sản xuất nông nghiệp, các cấp, các ngành cũng phải quan tâm sao cho hiệu quả, bền vững. “Ở miền Nam, người ta trồng được những loại quả có tạo hình rất đẹp, giá đến hàng triệu đồng. Như cây phật thủ, bên cạnh số lượng, chúng ta phải suy nghĩ thế nào cho mẫu mã đẹp, giá trị kinh tế cao hơn”, Bí thư ví dụ. Muốn vậy, cùng với sự chủ động của người dân, các cấp, các ngành cũng cần hỗ trợ thường xuyên từ kỹ thuật đến cơ chế chính sách, nguồn vốn.

*Trước đó, vào đầu giờ sáng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đến thăm trường Mầm non xã Yên Sở và trang trại trồng phật thủ tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức). Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Đây là những mô hình tiêu biểu cho những đổi thay của Hoài Đức sau khi xây dựng nông thôn mới: An sinh xã hội, đời sống Nhân dân được chăm lo với hạ tầng khang trang, hiện đại và người nông dân làm giàu trên chính quê hương mình.