Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động tăng nguồn hàng phục vụ Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá cam kết đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán 2014.

Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội tại buổi làm việc hôm qua (16/1) với Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hà Nội về chương trình bình ổn giá TP Hà Nội.

Tăng nguồn cung

Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, 13 DN tham gia chương trình luôn đảm bảo dự trữ lượng hàng hóa tương ứng với số vốn 318 tỷ đồng được TP tạm ứng. Đồng thời cam kết giá các mặt hàng thuộc bình ổn giá thấp hơn từ 5 - 10% so với giá trên thị trường.

Thực tế tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán cho thấy, lượng tiêu thụ mặt hàng đường, thực phẩm chế biến luôn tăng cao, nên các DN đã chủ động dự trữ một lượng lớn đối với 2 nhóm mặt hàng này. Ngoài ra, bằng nguồn vốn tự có, các DN đã chủ động dự trữ lượng hàng gấp đôi số lượng được giao, đáp ứng 30% nhu cầu của 7 nhóm hàng thiết yếu.

Thời tiết trong thời gian gần đây không thuận lợi nên nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm, rau xanh bị hạn chế. Để đảm bảo lượng lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều DN đã chủ động khai thác nguồn hàng từ các tỉnh khác. Trong đó, mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm được khai thác thêm tại các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Hàng rau, củ, quả được khai thác từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Hải Dương, Mộc Châu…

 
Người dân huyện Gia Lâm mua hàng bình ổn giá tại phiên chợ Việt. Ảnh: Thu Hương
Người dân huyện Gia Lâm mua hàng bình ổn giá tại phiên chợ Việt. Ảnh: Thu Hương
Nhằm đưa lượng hàng bình ổn giá hàng phục vụ Tết đến với người tiêu dùng các DN tham gia chương trình đã tổ chức 617 điểm, liên kết với các DN khác triển khai thêm 1.646 điểm bán hàng, tổ chức 80 chuyến bán hàng lưu động, 4 phiên chợ Tết tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Thường Tín, Từ Liêm.

Vẫn còn những khó khăn

Mặc dù UBND TP đã có cơ chế hỗ trợ DN tham gia chương trình bình ổn giá, tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động này vẫn còn những khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu qủa của công tác này.

Nhằm tạo thuận lợi cho DN vận chuyển hàng hóa vào nội thành, phục vụ kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, UBND TP đã chấp thuận cho 110 xe tải (khoảng 2,5 - 3 tấn) được hoạt động 24/24 giờ trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh, cơ quan chức năng chỉ cấp phép lưu thông cho lượng xe này hoạt động trong một số tuyến đường cố định. Trong khi đó, một số tuyến đường DN đặt tổng kho dự trữ hàng hóa lại không được cấp phép, gây khó khăn không nhỏ cho việc vận chuyển hàng hóa.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Từ năm 2009, Hapro và các DN tham gia chương trình đã tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, khu công nghiệp… nhưng chính quyền một số địa phương chưa tạo điều kiện cho DN tổ chức điểm bán hàng. Bên cạnh đó, kinh phí tổ chức bán hàng lưu động khá cao, nhưng lợi nhuận thu về lại thấp, không đủ bù đắp chi phí. Từ thực tế các chuyến đưa hàng bình ổn giá về vùng nông thôn cho thấy, tập quán tiêu dùng của người dân khu vực này chủ yếu mua sắm tại các chợ cóc nên luôn có sự so sánh giá cả đối với hàng bình ổn giá, dẫn đến việc tiêu thụ các mặt hàng bình ổn giá còn hạn chế.

Bà Đào Thu Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định: Để hỗ trợ DN trong việc triển khai chương trình bình ổn giá, đặc biệt là việc tạo nguồn cung ứng hàng hóa, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết với các tỉnh, tăng cường phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, qua đó tạo điều kiện cho DN mở thêm điểm bán hàng. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của UBND TP, chính bản thân các DN cần chủ động hơn trong việc mở thêm điểm bán hàng bình ổn, đẩy mạnh tiêu thụ hàng bình ổn thông qua bếp ăn tập thể. Ngoài ra, liên kết giữa các DN, qua đó thu mua hàng hóa số lượng lớn để hưởng giá ưu đãi từ nhà sản xuất cũng như mở rộng điểm bán hàng cũng là phương án mà các DN cần tính đến.

 
Ngày 16/1, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và định hướng nhiệm vụ năm 2014.

Năm 2014, ngành công thương Hà Nội đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6 - 7%, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 5 -5,5%, giá trị tăng thêm của toàn ngành từ 8,1 - 8,9% so với năm 2013. 100% cụm công nghiệp mới xây dựng có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội trong năm 2014 cần nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có chất lượng cao; Tích cực ngầm hóa hệ thống lưới điện; Chú trọng mở rộng hệ thống phân phối cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trước mắt đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới...