Hoàn thành kết nối
Theo Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong, hiện nay, tại Bộ Tư pháp có 69 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Thường xuyên rà soát, thực hiện tái cấu trúc quy định, hoàn thiện các tính năng kỹ thuật; tổ chức nhiều cuộc làm việc để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đến tháng 2/2023, Bộ Tư pháp đã hoàn thành kết nối 58 dịch vụ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 20 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt tỷ lệ 34,5%) và 38 dịch vụ công trực tuyến một phần.
Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC trực tuyến, không để phát sinh hồ sơ quá hạn, nổi bật là lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.
Cụ thể, trong năm 2022, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tiếp nhận và giải quyết 1.183.976 Phiếu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để THADS và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông; tỷ lệ phiếu trực tuyến chiếm khoảng 81%.
Trong Quý I năm 2023, Cục đã tiếp nhận và giải quyết 267.360 Phiếu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để THADS và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông; tỷ lệ Phiếu trực tuyến chiếm khoảng 84%.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Bổ trợ tư pháp có một số vướng mắc trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở lĩnh vực bổ trợ tư pháp như một số TTHC không phát sinh hồ sơ cả trực tuyến, trực tiếp và qua bưu chính do người dân chưa có nhu cầu sử dụng; một số tờ đơn, tờ khai cần có chữ ký xác nhận người đề nghị thực hiện TTHC; một số thủ tục yêu cầu người dân nộp lại bản gốc giấy tờ cho cơ quan giải quyết TTHC.
Trong thời gian tới, Cục sẽ thực hiện rà soát, lựa chọn ít nhất 1 dịch vụ công trong tổng số 30 dịch vụ công trực tuyến một phần, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng chí đề xuất tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện nhiệm vụ ở bộ phận một cửa và cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ trực tuyến.
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến
Trong lĩnh vực con nuôi, đại diện Cục Con nuôi cho biết, hiện Cục đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đối với 03 thủ tục gồm: Cấp giấy phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài ở Việt Nam, gia hạn giấy phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài ở Việt Nam, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi ở nước ngoài; tuy nhiên việc sử dụng dịch vụ công vẫn còn hạn chế.
Qua đó, đồng chí đề xuất cần đẩy mạnh truyền thông về cung cấp dịch vụ công để người dân, doanh nghiệp được biết và lựa chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến do đơn vị cung cấp; thường xuyên đánh giá nhu cầu thực tiễn sử dụng dịch vụ công của của người dân, từ đó đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến và đưa ra các giải pháp phù hợp.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan đề nghị cần rà soát các quy định pháp luật liên quan; quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ, thực hiện số hóa các kết quả giải quyết TTHC theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; kết nối đồng bộ kho dữ liệu của Bộ với kho dữ liệu quốc gia và kho dữ liệu của các đơn vị thuộc Bộ.
Tại buổi Tọa đàm về giải pháp tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tư pháp vừa tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị trong thời gian tới, Văn phòng Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị thuộc Bộ; phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, thống nhất với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Cục Bổ trợ tư pháp xác định các nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành yêu cầu của Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 về “tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 40%”.
Đề nghị các đơn vị thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu thuộc phạm vi trách nhiệm thực hiện của Bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng tiến độ, chất lượng đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Chú trọng đẩy mạnh thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, trong đó có dịch vụ công trực tuyến, quản trị nội bộ; chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch thực hiện, điều chỉnh, rà soát, bổ sung các VBQPPL.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu lưu trữ cơ sở dữ liệu; bảo đảm kết nối an ninh, an toàn thông tin; bảo đảm nguồn nhân lực hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử và chuyển đổi số.