Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới khẩn cấp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang tiến gần đất liền các tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các địa phương đang tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó chủ động trước diễn biến ATNĐ.

Lũ xuất hiện trên nhiều sông

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 25/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 250km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ngãi khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/giờ.

Đường đi của áp thấp nhiệt đới trong ngày 25/9.
Đường đi của áp thấp nhiệt đới trong ngày 25/9.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ nay đến ngày 27/9, ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Ở Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 70-200mm, có nơi trên 230mm; Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 50-80mm, có nơi trên 100mm; ngày và đêm 27/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có lượng mưa phổ biến 40 - 100mm, có nơi trên 120mm; khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.

Từ ngày 25 - 27/9, trên các sông tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên tại thượng lưu các sông từ 3 - 6m, tại hạ lưu từ 1,5 - 2,5m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu các sông dao động ở mức báo động 1; hạ lưu các sông chính ở dưới báo động 1. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1.

Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện, tại khu vực Tây Nguyên có 11 hồ chứa thuỷ điện đang vận hành điều tiết qua tràn với lưu lượng xả từ 10 - 434 m3/s. Trong khi đó, Cục Thuỷ lợi cho biết hiện nay tại Trung Bộ và Tây Nguyên đang có 215 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và hàng trăm hồ đang thi công.

Ngoài ra, rrên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Bình đến Phú Yên hiện có 35 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu và 12 công trình đê, kè đang thi công dở dang. Do đó, nguy cơ mất an toàn là không thể chủ quan.

Các địa phương chủ động “cấm biển”

Để chủ động ứng phó nguy cơ ATNĐ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn trên biển. Tính đến sáng 25/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 26.961 phương tiện/147.456 người biết diễn biến, hướng đi của ATNĐ để chủ động phòng tránh. 

Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã tổ chức cấm biển từ 7 giờ sáng nay (25/9).
Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã tổ chức cấm biển từ 7 giờ sáng nay (25/9).

Các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Phú Yên chủ động triển khai các biện pháp ứng phó ATNĐ. Các tỉnh khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, trong đó 11 tỉnh, TP đã ban hành văn bản chỉ đạo.

Tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã tổ chức cấm biển kể từ 7h00 ngày 25/9/2023; tỉnh Quảng Ngãi chủ động cấm tàu thuyền ra khơi khi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ATNĐ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 11/CĐ-QG gửi các Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và các bộ, ngành đề nghị tập trung triển khi các biện pháp chủ động ứng phó diễn biến ATNĐ.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai có Văn bản số 354/VPTT về việc ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Hiện, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vẫn đang tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.