Chủ động ứng phó mọi diễn biến bất thường của thời tiết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là yêu cầu tại Công điện khẩn vừa phát đi của UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Chỉ...

Kinhtedothi - Đây là yêu cầu tại Công điện khẩn vừa phát đi của UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai TP, Ban Chỉ huy TKCN TP, Ban cứu trợ và Đảm bảo an toàn đời sống TP; Ban Chỉ huy Ban chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã; Ban Chỉ huy PCTT các sở, ngành; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; các Công ty TNHH MTV ĐTPT Thủy lợi: Sông Nhuệ, Hà Nội, Mê Linh, Sông Đáy, Công ty Thủy lợi Sông Tích; Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.

Công điện nêu rõ, theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư do ảnh hưởng của rãnh thấp bị nén có trục qua Bắc Bộ sau đó có khả năng hình thành một vùng xoáy thấp trên khu vực phía Đông Bắc Bộ và vịnh Bắc Bộ nên từ 28/8-3/9 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa dông diện rộng, cụ thể như sau:

Từ ngày 28-30/8: Ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to; tổng lượng mưa cả đợt ở vùng núi khoảng 100-150mm, có nơi trên 200mm, trung du và đồng bằng khoảng 50-100mm. Từ ngày 31/8-3/9 ở khu vực ven biển Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả với mọi diễn biến bất lợi của mưa lũ, đảm bảo an toàn dịp tổ chức lễ Quốc khánh 2/9, UBND TTP yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai TP, Ban chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành, các công ty: Thủy lợi, Thoát nước Hà Nội, Công viên cây xanh; Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; sẵn sàng tổ chức triển khai phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đê điều; tăng cường công tác tuần tra canh gác, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý hiệu quả ngay từ giờ đầu, nhất là các tuyến phố có các điểm thường xuyên bị ngập úng, các sự cố về đê khi vừa phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ”.

2. Tăng cường công tác kiểm tra hồ đập trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt là đối với các hồ đã đầy nước; các hồ đang thi công, sẵn sàng lực lượng vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra.

3. Rà soát, chuẩn bị phương án sơ tán dân ở các vùng bãi sông; các điểm có nguy cơ ngập úng sâu, dễ bị chia cắt; sẵn sàng cung cấp vật tư, lương thực dự trữ, cứu trợ, đảm bảo đời sống nhân dân khi có tình huống xảy ra.

4. Kiểm tra, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông trên các tuyến phố, quốc lộ, tỉnh lộ, cao tốc trong điều kiện có mưa lớn, đặc biệt tại các bến đò. Yêu cầu chủ các phương tiện phải chấp hành các điều kiện đảm bảo an toàn, kiên quyết không cho phương tiện hoạt động nếu không đủ điều kiện an toàn.

5. Thông báo cho các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ các phương tiện vận tải thủy biết thông tin trên để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.

6. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẵn sàng triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt các tuyến phố phục vụ lễ Quốc khánh 2/9; các Công ty thủy lợi sẵn sàng triển khai phương án tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập lụt.

7. Công ty TNHH MTV công viên Cây xanh tổ chức lực lượng kịp thời giải tỏa ngay cây đổ khi có mưa dông, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của Nhân dân.

8. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn trật tự trị an khi có tình huống xảy ra trên địa bàn TP.

9. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCTT TP thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, chủ động kiểm tra đôn đốc các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo các công tác phòng chống úng ngập theo quy định; kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo về Thường trực Ban chỉ huy PCTT TP.

10. Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi, tổng họp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về Ban chỉ huy PCTT TP theo quy định.