Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng chục vụ cháy rừng đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Việc chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là khi Hà Nội đang bước vào mùa khô 2023 - 2024.

Xảy ra 34 vụ cháy rừng

Hồi 21 giờ 45 phút ngày 19/10, trên địa bàn xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) đã xảy ra một vụ cháy rừng phòng hộ bảo vệ môi trường thuộc khu Dõng Mai, thôn Minh Tân. Do thời gian cháy vào ban đêm, thời tiết gió to, thảm thực bì dày, địa hình núi cao hiểm trở nên lực lượng chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Đến 23 giờ 30 phút ngày 19/10, đám cháy lan sang địa bàn rừng xã Minh Phú. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 4 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Lê Văn Đức cho biết, sau khi phát hiện đám cháy, lực lượng hơn 400 người, cùng nhiều phương tiện máy móc, trang thiết bị đã được huy động để tập trung dập tắt ngọn lửa. Vào hồi 9 giờ ngày 20/10, tức sau gần 12 giờ đồng hồ, vụ cháy mới được dập tắt.

Một vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn từ đầu năm 2023. Ảnh: Bình Minh
Một vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn từ đầu năm 2023. Ảnh: Bình Minh

Tiếp đó vào hồi 20 giờ ngày 21/10, lực lượng chức năng ghi nhận đám cháy thứ 2 bùng phát tại khu vực thôn Minh Tân (xã Minh Trí). Vị trí xảy ra cháy rừng thuộc khoảnh 9 Bản đồ điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường huyện Sóc Sơn năm 2008. 210 người cùng nhiều trang thiết bị chữa cháy đã được huy động để tham gia dập tắt ngọn lửa. Vụ cháy đã được khống chế hồi 21 giờ 30 phút ngày 21/10 và gây thiệt hại 11.000m2 thực bì dưới tán rừng keo, thông.

2 vụ cháy rừng xảy ra tại địa bàn huyện Sóc Sơn mới đây cũng là những vụ cháy mới nhất được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn TP đã xảy ra 34 vụ cháy rừng, với tổng diện tích bị cháy là 40,7ha. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu là thảm thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Các vụ cháy đều được phát hiện và huy động lực lượng dập tắt kịp thời, không để lan rộng, không ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

Trong số 7 huyện, thị xã có rừng của Hà Nội, huyện Sóc Sơn là địa bàn “nóng” nhất về tình trạng cháy rừng. Số vụ cháy rừng trên địa bàn huyện này nhiều năm qua luôn đứng tốp đầu của TP. Chia sẻ về khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, rừng Sóc Sơn là rừng trồng thuần loài, thảm thực vật dày. Địa hình các xã, thị trấn phức tạp, nằm giáp ranh với 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Các hộ dân sinh sống xen kẽ trong rừng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch rừng còn nhiều bất cập khiến công tác quản lý và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, huyện Sóc Sơn đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên thực hiện duy tu, sửa chữa các tuyến đường lâm nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ huyện triển khai dự án, rà soát hiện trạng và đất lâm nghiệp, làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất UBND TP Hà Nội thực hiện điều chỉnh quy hoạch rừng.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có là nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ gìn những “lá phổi xanh” cho Thủ đô. Thực hiện công tác phát triển rừng, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 34ha diện tích rừng được trồng mới.

Liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2023 - 2024, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết Sở NN&PTNT Hà Nội đang tiến hành sắp xếp và bổ sung lực lượng kiểm lâm địa bàn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để bảo đảm tốt vai trò là lực nòng cốt trong quản lý bảo vệ rừng, vừa phòng chống cháy rừng vừa tham gia thực hiện các nhiệm vụ về giao đất, giao rừng, khuyến lâm.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng tiếp tục triển khai công tác khoán trông coi bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng để quản lý bảo vệ. Trong đó khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có khả năng đầu tư trồng rừng sản xuất thâm canh có hiệu quả; thu hút vào trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái rừng.

Để quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị 7 huyện, thị xã có rừng trên địa bàn TP tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước; bố trí lực lượng, phối hợp chặt chẽ cùng cán bộ các hạt kiểm lâm trong công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, không để xảy ra phá rừng, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng.

 

Theo báo cáo hiện trạng rừng toàn quốc do Bộ NN&PTNT công bố hồi tháng 6/2023, Hà Nội hiện có 19.514ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 7.587ha, còn lại là rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn Hà Nội đạt 5,59%.