Chủ động ứng phó với thiên tai, sạt lở vùng thi công các dự án điện gió Quảng Trị

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước dự báo về những diễn biến khó lường về thời tiết cuối năm 2021, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai, sạt lở đất ở miền núi. Đặc biệt, tại một số khu vực đang triển khai các dự án điện gió - nơi tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.

Nguy cơ hiện hữu
Năm 2020, thiên tai đã tàn phá mảnh đất Quảng Trị gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên tục trên địa bàn các huyện miền núi.
Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn tỉnh. Ước tổng giá trị thiệt hại là trên 4.250 tỷ đồng.
 Một khu vực xây dựng dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa có nguy cơ sạt lở lớn khi mùa mưa bão đến gần.
Bằng nỗ lực của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ từ Trung ương, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay khắc phục, tái thiết sau thiên tai. Đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định đời sống, sản xuất của người dân vùng bị thiệt hại.
Tuy nhiên, theo dự báo của các cơ quan chức năng, hiện tượng ENSO ở trạng thái trung  tính từ nay đến  tháng 9/2021 và sẽ còn có khả năng tiếp tục duy trì đến đầu năm 2022. Đây là hiện tượng thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh với các cơn bão có diễn biến cường độ và quỹ đạo phức tạp, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác.
Cùng với đó, mùa mưa bão đang đến gần khiến nguy cơ về sạt lở, lũ ống, lũ quét luôn hiện hữu tại một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nhận diện, khoanh vùng trọng tâm phạm vi các dự án điện gió đang thi công có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Phạm vi nguy cơ cao được xác định tại địa bàn 13 thôn, bản, khối phố/7 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông.
Quảng Trị có 31 dự án với tổng công suất trên 1.1700 MW. Hiện đã có 26 dự án đang triển khai thi công (thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa). Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc thực hiện các công trình phụ trợ phục vụ thi công dự án điện gió đã làm thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước mặt. Đặc biệt, tại các bãi thải với hàng triệu khối đất có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy khi nằm trên các sườn núi cao. Điều đó khiến nguy cơ gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngoài dự kiến.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng các sở, ngành kiểm tra tại một dự án điện gió tại địa bàn xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa.
Trong đó, tại huyện Hướng Hóa vùng có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng gồm 12 thôn/6 xã với 147 hộ/670 nhân khẩu. Còn tại huyện Đakrông có 16 hộ với 72 nhân khẩu có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét do sinh sống dọc suối Kreng (xã Hướng Hiệp). Hiện khu vực này nhiều đoạn bị bồi lấp, thu hẹp dòng chảy do trong quá trình thanh thải đất, đá làm đường thi công dự án điện gió Hướng Linh 1 từ năm 2016 và đưa vào vận hành.
Chủ động trước mắt và lâu dài
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các đơn vị chức năng, các địa phương có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cũng như các chủ dự án điện gió triển khai các biện pháp trước mắt cũng như về lâu dài nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong đó, yêu cầu các chủ dự án xử lý, gia cố kịp thời các bãi thải đất đào đặt trụ tuabin, chống sạt lở đất của các dự án điện gió. Đồng thời, xử lý những đoạn đường có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão.
Các chủ dự án phải lắp đặt thiết bị, cử người theo dõi các điểm sạt lở, các điểm có nguy cơ sạt lở nhằm kịp thời có biện pháp ứng phó. Xây dựng phương án hiệp đồng lực lượng giữa nguồn lực sẵn có của đơn vị với các đơn vị liền kề và địa phương để chủ động huy động lực lượng tham gia ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra.
Tuy nhiên, về lâu dài UBND tỉnh yêu cầu chủ dự án cùng chính quyền địa phương cần rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao đến nơi đảm bảo an toàn. Đồng thời, chủ dự án hỗ trợ kinh phí bồi thường cho người dân đến nơi ở mới an toàn; lập kế hoạch, phương án và tổ chức trồng rừng thay thế và thu hồi diện tích đất cấp tạm thời sau khi các dự án điện gió đã hoàn thành để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định. Bên cạnh đó, trồng cây tại khu vực bãi thải nhằm giảm nguy cơ sạt lở về lâu dài tại các dự án điện gió.
 Công ty điện gió Hướng Tân trồng cây tại một điểm có nguy cơ sạt lở nhằm hạn chế các nguy cơ khi mùa mưa bão đang cận kề
Nhằm chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống thiên tai, sạt lở đất tại các khu vực này, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã xây dựng kịch bản ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định, triển khai phương án ứng thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khi có tình huống, sự cố xảy ra. Trong đó, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, có phương án di dời vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống người dân trong vùng dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đánh giá cao công tác chuẩn bị, chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai của các địa phương, các sở ngành cũng như của các chủ đầu tư dự án điện gió. “Vấn đề sạt lở đất, nguy cơ sạt lở đất chúng ta đã đánh giá được hiện trạng, các điểm có nguy cơ… Cùng với các sở, ngành chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, tôi đề nghị các cơ quan sớm rà soát hoàn thành, các chủ dự án điện gió phải có kế hoạch cụ thể, phương án phòng chống thiên tai và phải báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15/9/2021”, ông Hưng nhấn mạnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị trồng cây xanh tại dự án điện gió nhằm phát động Lễ trồng cây xanh trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Tại buổi lễ, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát động chương trình trồng cây xanh trên địa bàn huyện Hướng Hóa và cam kết thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. Qua đó, các chủ dự án điện gió đã ủng hộ 750 triệu đồng nhằm chung tay góp phần trồng cây xanh trên địa bàn huyện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần