Chủ động xây dựng mô hình mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 18/1, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã làm việc với quận Hà Đông về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Theo lãnh đạo quận, từ năm 2009, Hà Đông đã quy định khống chế số mâm cỗ cưới tối đa 40 mâm, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên nếu cố tình vi phạm… Đây có thể nói là một thuận lợi lớn để Hà Đông thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đến nay, trên 75% đám cưới của đoàn viên thanh niên được tổ chức cưới theo nếp sống văn hóa; 17/17 phường đã sửa đổi, bổ sung các tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Nhiều mô hình đám cưới tiệc trà đã được xây dựng tại các phường Quang Trung, Nguyễn Trãi, Văn Quán, Phú Lãm…

Trong thực hiện việc tang văn minh, Hà Đông cũng đã đẩy nhanh con số các ca thực hiện hỏa táng, bỏ các tục lệ lạc hậu, không ăn uống linh đình… Nếu năm 2009 chỉ có 77,6% việc tang theo nếp sống văn hóa,  năm 2012 đã tăng lên 98%, trong đó có 41% trường hợp qua đời thực hiện theo hình thức hỏa táng. Đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn đã giảm hẳn việc lợi dụng lễ hội để chơi cờ bạc, cá độ, không có hiện tượng mê tín dị đoan, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Chủ động xây dựng mô hình mới - Ảnh 1

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại buổi làm việc với quận Hà Đông. Ảnh: Minh Hiền

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, đưa nội dung các chỉ thị vào các lớp tập huấn chính trị… quận còn xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm. Đến nay đã có 20 cán bộ, đảng viên bị xử lý, từ cảnh cáo đến cách chức.

Ghi nhận cách làm sáng tạo, chủ động của quận Hà Đông trong những năm qua, Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, những kinh nghiệm bước đầu của Hà Đông chính là căn cứ quan trọng để Thành ủy triển khai rộng Chỉ thị 11. Do đó, những cách làm tốt, mô hình hay, quận nên nhân rộng, tiếp tục phát huy để tạo thành bước chuyển lớn hơn nữa. Cùng với đó, quận cần tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, đoàn thể, coi trọng công tác tuyên truyền theo hướng có chiều sâu, chọn các đối tượng phù hợp với từng mục đích vận động. Đặc biệt, việc cưới, việc tang của các gia đình cán bộ chủ chốt trong quận cần phải làm gương để tạo sức lan tỏa. Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Việc xóa bỏ những tục lệ cũ, hình thành cách làm mới không thể nóng vội, đòi hỏi sự vận động kiên trì, bền bỉ. Trong đó, quan trọng nữa là phải xây dựng được những mô hình cưới, tang văn minh, phù hợp để người dân noi theo, điều này phụ thuộc nhiều vào sự chủ động, sáng tạo của từng địa bàn.

Cùng ngày, Đoàn giám sát số 2 của Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến dẫn đầu đã làm việc với Huyện ủy Hoài Đức về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến yêu cầu huyện Hoài Đức cần coi việc triển khai và tuyên truyền chỉ thị là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Tăng cường kiểm tra, xử lý cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên không chấp hành nghiêm các quy định, đẩy mạnh tuyên truyền để đông đảo nhân dân hưởng ứng, tạo chuyển biến thực sự trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn.