Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Văn Chiến: Giám sát để chống án oan, sai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thềm bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội bày tỏ suy nghĩ về quyết tâm bảo vệ quyền lợi người dân thông qua hoạt động giám sát chống án oan, sai, nâng cao chất lượng đời sống dân sinh.

Thời gian qua, không ít vụ án oan sai được xác định, minh oan, trong đó, hai vụ án oan được dư luận chú ý nhiều hơn cả là vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn. Với cương vị là luật sư, ông suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình?

- Trong công cuộc cải cách tư pháp, thực hiện Hiến pháp mở rộng tranh tụng, với cương vị là luật sư, chúng tôi đã, đang và sẽ góp phần bảo vệ dân chủ, công lý và quyền hợp pháp của người dân. Kịp thời phát hiện, đấu tranh “chống án oan”, “giảm án sai” để giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân, DN. Với kinh nghiệm đã tham gia Đoàn giám sát về án oan, sai và án tồn đọng của Quốc hội, tôi sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm về vấn đề này để góp phần bảo vệ công lý, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng “chống oan” và “giảm sai” trong hoạt động tư pháp.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến (ngoài cùng bên phải) tham gia trợ giúp pháp lý cho Nhân dân. Ảnh: Thái San
Luật sư Nguyễn Văn Chiến (ngoài cùng bên phải) tham gia trợ giúp pháp lý cho Nhân dân. Ảnh: Thái San
Ngoài ra, để giúp người dân tự mình thực hiện tốt quyền công dân và tự bảo vệ mình, đội ngũ luật sư chúng tôi luôn cam kết trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách như gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đồng chí thương bệnh binh, những người yếu thế…

Công tác thực thi pháp luật vẫn còn nhiều bàn cãi khi mới đây có hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế, như vụ quán cà phê Xin Chào ở TP Hồ Chí Minh. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Đúng vậy! Đây là vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm, bởi trong thời gian gần đây đã xảy ra hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế, như vụ quán Xin Chào. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Nghị quyết một lần nữa khẳng định chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; tạo môi trường lành mạnh, an toàn để DN kinh doanh theo đúng pháp luật. Đây cũng là vấn đề cần được giám sát chặt chẽ để bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, đúng luật và đúng đạo đức xã hội.

Là ứng cử viên ĐB Quốc hội, ông suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình đối với cử tri nếu trúng cử?

- Để không phụ lòng mong đợi và kỳ vọng mà cử tri đặt vào lá phiếu bầu, phương châm hành động của tôi là “Nói đi đôi với làm”. Tôi sẽ luôn đồng hành cùng cử tri địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ và có chiều sâu đối với các hoạt động thực thi pháp luật nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân, giúp kiến tạo một bộ máy “chính quyền phục vụ”. Ngoài ra, tôi mong muốn nâng cao chất lượng đời sống dân sinh nông thôn, đặc biệt quan tâm tới vấn đề môi trường, cải tạo những dòng sông chết và đưa nước sạch về nông thôn. Bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm cho các học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường, hỗ trợ bà con làng nghề đăng ký bản quyền, bảo hộ sản phẩm truyền thống của quê hương.

Mỗi người có cách hành động riêng, nhưng với tôi thì số điện thoại di động của mình chính là “đường dây nóng”, làm cầu nối để bà con cử tri tiếp cận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng. Sau khi nghiên cứu, tôi có nghĩa vụ chuyển thành kiến nghị pháp lý gửi đến cơ quan chức năng và Quốc hội.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần