Chủ nợ chấp nhận cấp cho Hy Lạp 95 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, Hy Lạp chính thức đạt được một thỏa thuận cứu trợ mới với các chủ nợ châu Âu, tạm kết thúc chuỗi ngày dài đối diện nguy cơ rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Cụ thể, các chủ nợ đã đưa ra một gói cứu trợ trị giá 95 tỷ USD cho Hy Lạp sau khi chính quyền Thủ tướng Tsipras đồng ý triển khai cải cách kinh tế sâu rộng dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của bộ ba chủ nợ. Trước đó, Hy Lạp đề nghị thỏa thuận này bao gồm một gói cứu trợ trị giá 53,5 tỷ Euro (tương đương 59,5 tỷ USD) giải ngân trong vòng 3 năm, tuy nhiên con số đó đã tăng thêm hàng chục tỷ USD sau khi những thỏa thuận kéo dài và các nhà lãnh đạo tính toán lại con số để tránh Hy Lạp khỏi cảnh vỡ nợ.
Chủ nợ chấp nhận cấp cho Hy Lạp 95 tỷ USD - Ảnh 1
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, Quốc hội Hy Lạp nên triệu tập trong vài giờ tới nhằm triển khai áp dụng các đề xuất cải cách trình lên các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ mới, đồng thời gửi lời chúc mừng Hy Lạp tiếp tục là một thành viên của Eurozone. Ông cũng cho rằng nếu thiếu Hy Lạp, Eurozone sẽ mất đi “trọng tâm của nền văn minh”.

Thỏa thuận cứu trợ này đi đến hồi kết tại hội nghị thượng đỉnh ngày 12/7, sau gần 6 tháng chính quyền Hy Lạp và các chủ nợ trải qua những đàm phán cam go. Thủ tướng Hy Lạp đã nỗ lực hết sức để đi đến một thỏa thuận có lợi nhất, trong bối cảnh hệ thống tài chính nước này tiến gần đến những ngày sụp đổ hơn bao giờ hết sau khi không còn nguồn vốn tín dụng khẩn từ ECB.

Một sự đột phá đã xuất hiện trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Tsipras, người đồng cấp Pháp, Đức và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk, sau khi nguy cơ ra khỏi Eurozone đặt áp lực lên chính quyền Thủ tướng Hy Lạp phải chấp nhận những biện pháp thắt lưng buộc bụng để có được gói cứu trợ thứ 3 trong 5 năm.

Đi kèm với thỏa thuận cứu trợ này là những cam kết từ Thủ tướng Tsipras nhằm thúc đẩy một chương trình kham khổ bao gồm cải cách về lương hưu, thị trường và cơ chế tư nhân hóa được quốc hội thông qua vào giữa tuần trước. Đổi lại, 18 nước thành viên Eurozone còn lại cam kết tiếp tục chương trình cứu trợ mới nhằm cứu hệ thống tài chính nước này khỏi nguy cơ sụp đổ.

Một giới chức khu vực Eurozone nhận định cây cầu tài chính dành cho Hy Lạp sẽ được “nối” lại sau thỏa thuận lịch sử này, đồng nghĩa với việc ECB tái cấp khoản tín dụng khẩn trợ giúp hệ thống ngân hàng Hy Lạp hoạt động trở lại. Nếu không được cấp chiếc phao cứu sinh này, Hy Lạp sẽ phải đối mặt với việc vỡ nợ, ra khỏi Eurozone sau 13 năm gia nhập khối.

Trong 5 năm qua, Hy Lạp đã nhận được 2 gói cứu trợ lên tới 240 tỷ Euro (tương đương 268 tỷ USD) đổi lại với việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và các chính sách cải cách khác. Dù thâm hụt ngân sách của Hy Lạp đã giảm đáng kể, núi nợ của xứ sở thần thoại vẫn tăng lên do suy giảm kinh tế kéo dài.

Hiện tại, số nợ của Hy Lạp đã lên tới 320 tỷ Euro (tương đương 357 tỷ USD) - tương đương 180% GDP nước này. Hầu hết các nhà kinh tế nhận định số tiền này sẽ không bao giờ được hoàn trả đầy đủ. Tuần tước, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Hy Lạp cần một đợt tái cấu trúc nợ.