Chiều 7/12, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trả lời, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Chuyển biến tích cực về gỡ vướng trong cơ chế quản lý, điều hành
Thay mặt UBND TP, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh trân trọng tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu HĐND TP.
Về công tác giải quyết các kiến nghị của cử tri, UBND TP đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng 333 ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND TP và cử tri Thủ đô trước và sau Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.
Bên cạnh đó, UBND TP đã tập trung chỉ đạo tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND TP và cử tri Thủ đô từ đầu nhiệm kỳ. Cụ thể: Lũy kế từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBND TP đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm 1535/1927 kiến nghị (chiếm gần 80%) và tiếp tục chỉ đạo giải quyết 392 kiến nghị.
Thông qua nắm bắt, giải quyết kiến nghị cử tri, các cơ quan chức năng của TP đã tháo gỡ những bức xúc trong thực tiễn, vướng mắc và bất cập trong cơ chế quản lý, điều hành, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân Thủ đô.
Điển hình là, UBND TP đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư. Qua các phiên họp của Tổ công tác, nhiều nội dung khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư đã được tháo gỡ, giải quyết trực tiếp ngay tại cuộc họp.
Thời gian tới, UBND TP sẽ tập trung tìm những biện pháp căn cơ hơn để từng bước xử lý những tồn tại được nêu ra trong phiên chất vấn, đồng thời tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cùng với thực hiện chủ đề năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” gắn với thực hiện hiệu quả, thực chất Chỉ thị số 24 của Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP.
Về vấn đề phân cấp quản lý lòng đường vỉa hè, cây xanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, đây là chủ trương đúng. Trên cơ sở rà soát, đánh giá, TP sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho sở ngành, quận huyện.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Thủ đô
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2023, TP luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, chú trọng và nỗ lực đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, trong đó điểm nổi bật là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Thủ đô; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức; chủ động thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP đang tích cực triển khai 3 nội dung quan trọng: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi; Lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
“Có thể nói, việc xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi và 2 Quy hoạch nói trên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm kiến tạo và phân bổ không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xa hơn nữa; Đồng thời xây dựng thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và thực hiện các giải pháp, cơ chế về huy động các nguồn lực, động lực để xây dựng và phát triển Thủ đô” - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Với nhận thức đó, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã tập trung chỉ đạo triển khai rất công phu, bài bản: Tổ chức tổng kết, đánh giá và phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, lịch sử học, nhân sỹ, trí thức,… và Nhân dân Thủ đô. Đặc biệt là có sự tham gia tư vấn của những tổ chức quốc tế có kinh nghiệm, qua đó đã góp phần hoàn thiện Luật và 2 quy hoạch đảm bảo chất lượng khá tốt.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV vừa qua, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được các đại biểu đánh giá cao; đã có tổng số 117 ý kiến góp ý với tinh thần ủng hộ việc ban hành Luật thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách lớn, trong đó nhiều đại biểu có ý kiến cần có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội hơn nữa nhằm tạo cơ hội và động lực cho Thủ đô phát triển. Theo kế hoạch, Luật Thủ đô sửa đổi và 2 quy hoạch sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2024.
Trả lời đại biểu Phạm Đình Đoàn về nguồn lực phát triển Thủ đô nói chung cũng như hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, TP nhận thức quan trọng về nội dung này nên đã đề xuất chính sách trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo đó có cơ chế đặc thù để có nguồn lực phát triển hạ tầng Thủ đô, hạ tầng giao thông đối ngoại liên vùng.
Chủ tịch UBND TP cho biết, Thủ đô sẽ có đề án riêng về phát triển đường sắt đô thị, làm tổng thể làm 12 tuyến đường sắt để có cơ chế, nguồn lực riêng. Có như vậy, tất cả các vấn đề đô thị, trật tự đô thị mới có thể được giải quyết tốt hơn.
“Mỗi sáng, Hà Nội có khoảng 2,3 triệu học sinh cùng đến trường cùng các phụ huynh, chưa kể các nhu cầu khác… dẫn đến ùn tắc. Chỉ khi Hà Nội giải quyết được vấn đề giao thông đô thị, mới giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông” - Chủ tịch UBND TP nói.
Tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho các quận huyện, sở ngành
TP Hà Nội là địa phương tiên phong thực hiện phân cấp, ủy quyền trong cải cách hành chính. Đến nay đã thực hiện bổ sung phân cấp cho cấp huyện tại 9 lĩnh vực; quy định chi tiết phân cấp quản lý nhà nước 16 ngành, lĩnh vực; đồng thời, đã thực hiện ủy quyền 708 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 37,6% tổng số thủ tục hành chính cấp TP và cấp huyện. Qua đánh giá kết quả năm 2023, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền có hiệu quả rõ nét, tăng tính chủ động, sáng tạo của chính quyền quận, huyện và các sở, ngành, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính và chất lượng phục vụ Nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, với một TP khoảng 10 triệu dân, rõ ràng việc phân cấp là một hướng đi duy nhất đúng, nhằm nâng tầm của các sở ngành, quận huyện lên. Số lượng cán bộ sở ngành rất ít; thu ngân sách hơn 400 nghìn tỷ đồng nên số lượng giao dịch rất lớn. Đây là đặc thù đô thị đặc biệt lớn so với các đô thị còn lại, nên khó tránh khỏi có lúc việc lỗi, chậm, chưa được nâng cao. Vì vậy, căn cứ Luật Thủ đô sửa đổi TP Hà Nội sẽ tiếp tục làm mạnh phân cấp hơn.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân, TP đã thống nhất chủ trương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố, hướng tới mục tiêu “Minh bạch – Công khai – Hiện đại và phi địa giới hành chính trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính”. Trước mắt công dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ chỉ cần đến 1 địa điểm hoặc nộp hồ sơ qua mạng để giải quyết các thủ tục hành chính cấp TP với gần 1.400 thủ tục theo nhu cầu, từ đó rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Đời sống kinh tế của Hà Nội vẫn có “nhịp thở”
Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023, Chủ tịch UBND TP cho biết, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,27%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng trên 5%).
“Toàn bộ kết quả thành tích này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp Hà Nội. Trong điều kiện khó khăn như vậy, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội khoảng 10,14%; trong khi cả nước mới 8,1%” - Chủ tịch UBND TP nói.
Chủ tịch UBND TP mong muốn cử tri chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, dù có nơi, có lúc vẫn còn tình trạng sợ, né tránh trách nhiệm, nhưng cơ bản, cán bộ Hà Nội vẫn còn làm việc nên mới có kết quả trên.
Về đôn đốc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023, Chủ tịch UBND TP cho biết, trong một số cuộc họp của Chính phủ, đây là năm đầu tiên Hà Nội không bị nhắc nhở về giải ngân đầu tư công. Có được kết quả này là sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo TP. Đến cuối năm sẽ đạt khoảng 91,5% TP giao, đạt 100% kế hoạch Trung ương giao.
Về việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư công, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP sẽ kiểm điểm sâu về vấn đề này, làm rõ vì sao có các dự án đã có chủ trương rồi mà chưa phê duyệt, có dự án mà chưa khởi công…
Đối với 712 dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND TP cho rằng, “mỗi một dự án là một số phận”, nên TP phải rà soát rất kỹ, xét từng dự án cụ thể, chỉ áp dụng một số nguyên tắc cơ bản. “TP với tinh thần tháo gỡ vướng mắc là chính, có chế tài để các nhà đầu tư thực hiện. Còn những dự án không thể triển khai được nữa thì dứt khoát phải thu hồi theo đúng quy định pháp luật” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Về cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, cải cách hành chính được đẩy mạnh. Hà Nội là địa phương tiên phong thực hiện phân cấp, ủy quyền, qua đó góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính PAR-Index, tăng 7 bậc, Chỉ số SIPAS tiếp tục giữ nguyên thứ hạng. Công tác chuyển đổi số đạt được những kết quả bước đầu…
Đối với giao thông đô thị, phát triển hạ tầng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, trong năm 2023, TP quyết tâm khai thông các đường Vành đai và đấu nối giao thông với các tỉnh lân cận. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường “ngoại giao giao thông” nhằm nâng cao hiệu quả kết nối các tuyến đường liên tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong Vùng Thủ đô…