Chủ tịch HĐND TP: Có lộ trình, giải pháp căn cơ cho vấn đề nước thải

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Quận Long Biên nên xây dựng đề án tổng thể về xử lý nước thải, có giải pháp căn cơ khắc phục những tồn tại hạn chế, kế hoạch lộ trình thực hiện rõ ràng, nhất là thoát nước tại khu đô thị cần được xử lý, vận hành ngay”- Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Sáng nay, 25/8, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn quận Long Biên.

Tham gia Đoàn có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; lãnh đạo các Ban HĐND TP, các sở ngành liên quan...

Đoàn đã đến khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối) và Trạm xử lý nước thải khu đô thị Việt Hưng (phường Việt Hưng) trên địa bàn quận.

Đoàn giám sát do Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối, quận Long Biên)
Đoàn giám sát do Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối, quận Long Biên)

Xác định là nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo với đoàn giám sát, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, quận luôn xác định vấn đề thoát nước, đảm bảo cảnh quan, môi trường trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Từ đó đã xây dựng Chương trình số 03-CTr/QU ngày 15/10/2020 về “Đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, trọng tâm là giải quyết vấn đề thoát nước, đảm bảo cảnh quan môi trường trên địa bàn giai đoạn 2020-2025” với 14 chỉ tiêu.

Trong năm 2021, quận tiến hành kiểm tra 110 cơ sở về nước thải công nghiệp, xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền 376 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong vòng 6 tháng với 5 cơ sở. Nửa đầu năm nay, UBND quận lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với 18 cơ sở có xả nước thải ra hệ thống sông Cầu Bây, từ đó ban hành quyết định xử phạt 3 đơn vị có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường với tổng số tiền 18,6 triệu đồng.

Đáng chú ý, công tác duy tu duy trì, quản lý vận hành hệ thống thoát nước tại quận hiện do 3 công ty thực hiện với tổng 500km cống rãnh, 6.013 ga thăm, thu, 42,223km mương, 18 hồ, 7 trạm bơm. Việc duy tu duy trì đáp ứng yêu cầu thanh thải dòng chảy, vận hành tốt các trạm bơm cục bộ. Năm nay, UBND quận đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước và đề xuất cải tạo 16 vị trí thường xuyên ngập úng gây bức xúc dân sinh.

Đoàn giám sát khảo sát thực địa Trạm xử lý nước thải khu đô thị Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên)
Đoàn giám sát khảo sát thực địa Trạm xử lý nước thải khu đô thị Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên)

Tuy nhiên, theo lãnh đạo quận, để có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu Bây và các điểm tiếp nhận từ các nguồn thải sinh hoạt trong khu dân cư, rất cần thiết đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư xây dựng nhà máy (NM) xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn quận. Cụ thể là NM xử lý nước thải Phúc Đồng, phường Phúc Đồng (công suất 31.500m3/ng-đ); NM xử lý nước thải An Lạc, phường Cự Khối, Phúc Đồng (29.600m3/ng-đ); NM xử lý nước thải Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy (22.000m3/ng-đ).

UBND quận đã kiến nghị Sở TN&MT tổng hợp danh sách dự án xây dựng NM xử lý nước thải gửi Sở KH&ĐT tổng hợp, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để triển khai đầu tư bằng nguồn ngân sách TP.

Đối với hệ thống thoát nước, UBND quận kiến nghị UBND TP chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường TP đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh; chỉ đạo Sở Xây dựng và Ban Duy tu các công trình HTKT đô thị bàn giao dự toán khối lượng duy tu duy trì thực hiện theo Quyết định 14/2021/QĐ-UBND để UBND quận tiến hành ký kết hợp đồng phụ lục đúng quy định.

Với hệ thống xử lý nước thải, UBND quận đề xuất có cơ chế thu hút xã hội hóa thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, trước mắt Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường TP thực hiện chuẩn bị đầu tư bằng ngân sách TP. Đồng thời, TP cần chỉ đạo Sở Xây dựng và Ban Duy tu các công trình HTKT đô thị đưa trạm xử lý nước thải đô thị Việt Hưng vào vận hành, cũng như áp dụng CNTT vào quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

Lãnh đạo quận Long Biên trao đổi tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát
Lãnh đạo quận Long Biên trao đổi tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát

Có lộ trình rõ ràng, tạo chuyển biến mới

Qua khảo sát thực địa và lắng nghe chia sẻ từ lãnh đạo quận Long Biên, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của các cấp chính quyền quận trong thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý thoát nước và xử lý nước thải. Đồng thời đặt ra một số vấn đề cần trao đổi làm rõ về công tác quản lý của lãnh đạo UBND cấp phường, cấp quận cũng như sự phối hợp với các sở ngành trong thực hiện các giải pháp để bảo vệ môi trường làng nghề; sự chủ động của quận trong giải quyết những tồn tại về công tác nhân sự làm quản lý nhà nước về môi trường…

Các thành viên đoàn giám sát cũng chỉ ra, tại quận vẫn có các điểm úng ngập cục bộ, cần làm rõ biện pháp xử lý trước mắt, lâu dài cũng như vấn đề chấp hành pháp luật về môi trường trong xử lý nước thải của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư. Cùng với đó, hiện trên địa bàn đang có 3 DN tham gia duy tu, duy trì, quản lý vận hành hệ thống thoát nước tại quận, liệu có nảy sinh vướng mắc…

Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến
Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến

Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, công tác bảo vệ môi trường tại Hà Nội luôn cấp thiết, được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm; TP đã chỉ đạo thực hiện bằng nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề… Trong điều kiện địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, KT-XH phát triển tốt, lãnh đạo quận Long Biên đã rất chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn; chủ động đầu tư các dự án; quyết liệt chỉ đạo xây dựng quận sáng-xanh-sạch-đẹp...

Nhấn mạnh những tồn tại, vướng mắc và những giải pháp mà quận đã đề ra cần quyết tâm thực hiện, Chủ tịch HĐND TP đề nghị: Quận tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các quy định pháp luật trong công tác quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Trong điều kiện tốc độ đô thị hóa cao, công tác bảo vệ môi trường cần gắn với phát triển KT-XH bền vững và lâu dài với cách làm phù hợp. Trong chỉ đạo, tuyên tuyền nâng cao nhận thức cần có giải pháp huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao vai trò của HĐND quận, MTTQ và các tổ chức CT-XH, trách nhiệm tham gia của các DN và sự vào cuộc của Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận

“Quận nên xây dựng đề án tổng thể về lĩnh vực xử lý nước thải, có các giải pháp căn cơ khắc phục được những tồn tại hạn chế, tập trung giải quyết khó khăn để tạo chuyển biến mới, có kế hoạch lộ trình rõ ràng trong thực hiện công tác này, mới đạt kết quả cao. Trong đó về xử lý nước thải, những nhiệm vụ được TP đã giao thì quận cần quyết tâm hoàn thành, nhất là thoát nước tại các khu đô thị như ở Việt Hưng cần được xử lý và vận hành ngay”- Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

Cùng đó, Chủ tịch HĐND TP lưu ý các hồ điều hòa có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quận cần quan tâm giữ gìn cảnh quan và phát huy hiệu quả điều hòa của các hồ đối với đảm bảo môi trường trên địa bàn. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và công khai những hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường; chủ động phối hợp các sở ngành và kịp thời báo cáo TP những khó khăn để kịp thời tháo gỡ.

Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam bày tỏ mong muốn, TP quan tâm phân cấp, nhất là ủy quyền cho quận một số vấn đề đặc thù trong thực hiện công tác thoát nước, đồng thời khẳng định địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ.

Trong điều kiện đầu tư thoát nước và xử lý nước thải tại quận đang bị chậm so với đầu tư về giao thông và hạ tầng đô thị, Bí thư Quận ủy cũng đề nghị các sở ngành quan tâm để điều chỉnh hệ thống xử lý nước thải tại quận đồng bộ với các hệ thống khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần