Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: "Theo dõi đến cùng, tránh tính hình thức trong xử lý đơn thư"

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Cơ quan thường trực HĐND dù chuyển đơn nhưng phải theo dõi đơn đến cùng, có cách thức hiệu quả cùng các cấp xử lý đơn, nếu không việc giải quyết sẽ rơi vào hình thức. Trong đó, cần chọn một số vụ việc phức tạp, đơn tồn đọng đã lâu để giám sát, đưa ra kỳ họp để chất vấn xem đã giải quyết đến đâu”, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.

Tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND TP, quận, huyện, thị xã quý II và thảo luận chuyên đề “Công tác tiếp công dân và xử lý đôn đốc, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC)” diễn ra chiều nay (13/8), đã có nhiều ý kiến tham luận phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tăng cường chất lượng công tác này từ TP đến cơ sở hiện nay.
Cần sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống
Phó Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Phương Ngọc Ánh cho rằng, hiện với loại đơn kiến nghị, phản ánh chiếm số lượng rất lớn tại cơ sở, chưa có văn bản nào quy định rõ quy trình, thời hạn giải quyết và trả lời đơn của công dân, gây khó cho việc xử lý, giải quyết cũng như đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời đơn của công dân. Do đó, HĐND quận đề nghị HĐND TP kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn quy trình loại đơn này. Quốc hội cũng cần quy định chế tài xử lý những cá nhân, cơ quan không thực hiện hoặc chậm trả lời giải quyết đơn thư KNTC của công dân. Thường trực HĐND huyện Ứng Hòa thì đề nghị các đại biểu (ĐB), tổ ĐB HĐND TP giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời kiến nghị ngay tại buổi tiếp xúc cử tri để hạn chế việc cơ quan chức năng đã trả lời ở địa phương này nhưng đến địa phương khác lại tiếp tục có kiến nghị của cử tri.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND nhiều quận, huyện cũng đề nghị TP chỉ đạo các sở, ban, ngành TP chủ động phối hợp hơn với chính quyền địa phương các cấp để kiểm tra, trả lời và thực hiện giải quyết triệt để các kiến nghị của cử tri. Hơn nữa, với những nội dung cử tri kiến nghị, đã được trả lời nhưng còn vòng vo, né tránh, cử tri không thống nhất với nội dung trả lời, tiếp tục kiến nghị mà ĐB HĐND thấy có cơ sở thì cần lựa chọn để giám sát sâu việc giải quyết, trả lời của các cơ quan chức năng.
 Toàn cảnh Hội nghị (ảnh Phạm Hùng)
Tuy nhiên, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của HĐND các quận huyện, Phó Trưởng Ban Ban Tiếp công dân TP Lê Đình Cung nhận định: Thực tế cho thấy, nhận thức về vị trí của công chức thực hiện công tác này tại một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là về việc phải có lực lượng cán bộ chuyên trách làm nòng cốt. “Việc cập nhật, tích tụ thông tin, bố trí đầu mối cán bộ để tham mưu với từng vụ việc còn hạn chế, nên phản xạ chung là cứ nhận được đơn thì chuyển, nên còn gây bức xúc cho công dân. Công tác theo dõi, xử lý, đôn đốc giải quyết vụ việc còn chậm, kể cả chậm báo cáo thông tin, dẫn đến trùng lặp trong điều hành xử lý”, ông Cung đánh giá. Từ đó, Ban Tiếp Công dân TP đề nghị lãnh đạo TP tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức về công tác này từ TP đến quận, huyện, xã, phường, trong đó nâng cao vai trò người đứng đầu. Ngoài ban hành các văn bản chỉ đạo, TP cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ, tăng chất lượng quản lý nhà nước; chú trọng giám sát chất lượng chỉ đạo của chủ tịch UBND cấp huyện, xã; tăng chất lượng giải quyết KNTC, tính khả thi cao; thường xuyên giám sát việc thực hiện các kết luận; bố trí cán bộ tiếp công dân đảm bảo về lượng và chất, đặc biệt phải coi tiếp công dân là 1 trong những vị trí công việc để quy hoạch cán bộ.
Đưa ra chất vấn những vụ việc tồn đọng lâu
Lắng nghe các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn - Trưởng BCĐ thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TQ của Thành ủy cho rằng: Số lượng đơn thư tại TP 7 tháng qua tăng hơn cùng kỳ năm ngoái cũng phản ánh khối lượng công việc nhiều hơn, song thực tế cho thấy những vụ việc phát sinh mới đều được giải quyết kịp thời trong thời gian ngắn, không để thành điểm nóng; với tinh thần giải quyết đến cùng và không giải quyết trên giấy mà trực tiếp đến địa phương, giải quyết có tình có lý, đáp ứng nguyện vọng người dân. “Có được kết quả đó, rõ ràng nhờ sự chuyển biến đáng kể về nhận thức từ TP đến cơ sở. TP đã phân công các bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng BCĐ công tác này tại các đơn vị, gắn trách nhiệm tiếp công dân với trách nhiệm người đứng đầu”, đồng chí nhấn mạnh.
Từ đó, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị với trách nhiệm của mình, HĐND các cấp TP sâu sát nắm chắc thông tin, phát huy vai trò chủ động hơn nữa, nhất là HĐND quận huyện chủ động nắm tình hình về tổ chức tiếp dân, đôn đốc giải quết, mới phát huy được hiệu lực, hiệu quả thực tế của công tác này. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới cách tổ chức tiếp dân cho khoa học, có lãnh đạo đơn vị và đại diện các phòng, ngành cùng dự để kịp thời giải đáp ý kiến của công dân; gắn kết công tác này của cấp ủy, HĐND, chính quyền, MTTQ với các cơ quan kiểm tra các cấp, có liên thông với nhau. Đặc biệt, từng cấp, ngành cần chủ động làm tốt hơn vai trò thông tin tham mưu cho cấp ủy để lãnh đạo đôn đốc, chỉ đạo giải quyết đơn thư, vừa để xử lý trách nhiệm của cán bộ nếu buông lỏng, né tránh.
Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Sau 2 hội nghị giao ban trong năm nay nhằm hướng dẫn việc tổ chức phiên giải trình và hoạt động tuyên truyền tại các HĐND quận, huyện, chuyên đề giao ban lần này được Thường trực HĐND TP lựa chọn bởi qua quá trình thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC cho thấy nhiều điểm chưa đạt được mục tiêu đặt ra, cần được nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới. Qua hội nghị này, các ĐB HĐND quận, huyện sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm để áp dụng trong quá trình hoạt động thực tiễn.
 Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận (ảnh Phạm Hùng)
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, kiểm tra cho thấy, việc tiếp công dân của ĐB HĐND các cấp được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định pháp luật, chất lượng tiếp dân ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, tiếp dân có lúc, có nơi còn hình thức, ĐB HĐND chưa thực hiện hết trách nhiệm, có tiếp dân nhưng chưa nghiên cứu kỹ vụ việc dẫn đến chuyển đơn không đúng quy định... “Vì vậy, cơ quan thường trực HĐND các quận huyện phải ban hành những quy định rất cụ thể về ĐB tiếp dân; chú trọng phân công, sắp xếp ĐB tiếp dân gắn với tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu; kết nối giữa ĐB với các ngành của quận, huyện mình. Đặc biệt, cơ quan thường trực HĐND dù chuyển đơn nhưng phải theo dõi đơn đến cùng, có cách thức hiệu quả cùng các cấp xử lý đơn, nếu không việc giải quyết sẽ rơi vào hình thức. Trong đó, cần chọn một số vụ việc phức tạp, đơn tồn đọng đã lâu để giám sát, đưa ra kỳ họp để chất vấn xem đã giải quyết đến đâu”, đồng chí nêu rõ.
Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị Thành ủy kiểm tra việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân các cấp để nâng cao chất lượng công tác này, nếu người đó không đủ điều kiện thì phải thay đổi. Các quận huyện cần tăng cường giám sát, đưa vào chất vấn, giải trình, thống kê xem bao nhiêu đơn đã được chuyển đi và giải quyết đến đâu; từ đó giải thích cho dân trên cơ sở pháp lý. Đồng thời, các ĐB HĐND cần thể hiện được bản lĩnh, hiểu luật, nắm chắc văn bản để giải thích cho dân đồng thuận.
Về kết quả hoạt động 7 tháng qua, Chủ tịch HĐND TP đánh giá, hoạt động HĐND cấp huyện đã có chuyển biến thực sự với có nhiều đổi mới. Nổi bật là hoạt động giám sát, khảo sát, phiên giải trình tăng nhanh và hiệu quả rõ rệt; công tác tiếp xúc cử tri trước kỳ họp được đổi mới, gắn với báo cáo kết quả hoạt động của HĐND TP, tổ chức chuyên đề… Đáng chú ý, đến nay 30 tổ HĐND đã xây dựng được kế hoạch giám sát, không trùng về nội dung với HĐND TP mà là những nội dung cần thiết với địa phương.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần