Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn: Thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU cần có sản phẩm cụ thể, quyết tâm thực hiện bằng được các chỉ tiêu về y tế

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Chương trình 08-Ctr/TU có ý nghĩa rất lớn đối với toàn thể cán bộ, Nhân dân Thủ đô, gồm các lĩnh vực rộng, trong đó các chỉ tiêu về y tế có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt liên quan chỉ tiêu giường bệnh/đầu người và quản lý đảm bảo sức khỏe người dân. Thực hiện Chương trình không thể chung chung mà cần có sản phẩm cụ thể, quyết tâm làm bằng được" - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.

Chiều nay (5/10), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng BCĐ Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo về triển khai các dự án đầu tư của TP giai đoạn 2021-2025 (đối với lĩnh vực y tế) và nhóm chỉ tiêu lĩnh vực y tế tại Chương trình.
Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương - Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Chương trình; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Phó Trưởng BCĐ Chương trình. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện liên quan.
Đề xuất giải quyết khó khăn cho các dự án đầu tư công
Theo Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, ngành y tế đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo sửa chữa các bệnh viện (BV) và đưa vào hoạt động đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu người dân trên địa bàn. Chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh TP giao giai đoạn 2016-2020 đến cuối năm 2020 đạt 26,5 giường bệnh/vạn dân, hiện đã đạt 27,1 giường bệnh/vạn dân. Về tiến độ các dự án BV, đối với các dự án chuyển tiếp đã khởi công và chưa khởi công giai đoạn 2015-2020 chuyển sang giai đoạn 2021-2025, có 6 dự án với tổng kinh phí 3.040,2 tỷ đồng; với các dự án đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, có 6 dự án với tổng kinh phí 2.632 tỷ đồng, trong đó đã phê duyệt 872 tỷ đồng…
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà chia sẻ, nguồn kinh phí để thực hiện các dự án chuyển tiếp, điều chỉnh hoặc thực hiện mới còn hạn chế. Giai đoạn 2015-2020, Sở đã đề xuất 5 dự án đầu tư xây dựng BV (mắt Hà Đông, thận Hà Nội, đa khoa Xanh Pôn cơ sở 2, BV cấp cứu khu vực Hòa Lạc, đa khoa tại khu đất của BV đa khoa huyện Mê Linh cũ), nhưng việc kêu gọi đầu tư khó khăn do không có nhà đầu tư đề xuất thực hiện. Về nhân lực tại trung tâm y tế và trạm y tế cũng gặp khó khăn trong tuyển dụng...
Quang cảnh Hội nghị của Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU, chiều 5/10  
Theo chỉ tiêu trong Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, đến năm 2025, TP phấn đấu đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân. Để đạt chỉ tiêu ở mức tối thiểu 30 giường bệnh/vạn dân, Hà Nội cần tối thiểu 27.000 giường. Do vậy, cần bổ sung tối thiểu là 4.204 giường bệnh.
Từ thực tế hiện nay, lãnh đạo Sở đề nghị TP và các sở, ban, ngành quan tâm chỉ đạo, phấn đấu thực hiện, giải quyết khó khăn cho các dự án đầu tư công của TP. Trong đó, tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án chuyển tiếp đã khởi công hoặc chưa khởi công từ giai đoạn 2015-2020 sang giai đoạn 2021-2025, gồm các dự án BV đa khoa Hà Đông, đa khoa Sơn Tây, đa khoa Thường Tín, tâm Thần Hà Nội, nhi Hà Nội; xem xét và phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng các BV đa khoa huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất; BV đa khoa Vân Đình, YHCT Hà Nội, Hòe Nhai, phục hồi chức năng, Bắc Thăng Long, tâm thần ban ngày Mai Hương cơ sở 2 tại Phúc Thọ; Trung tâm Pháp Y Hà Nội. Đặc biệt, đề nghị TP ưu tiên đầu tư cho BV thuộc những huyện có kế hoạch, đề án phát triển thành quận giai đoạn 2021-2025, gồm BV đa khoa các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì; xem xét và phê duyệt chủ trương đầu tư xây mới 4 BV gồm nội tiết Hà Nội, lão khoa Hà Nội, bệnh nhiệt đới Hà Nội, đa khoa Hòa Lạc.
Đối với cơ sở cũ của BV 1.000 giường Mê Linh, Sở đề nghị UBND TP có kế hoạch đầu tư xây mới BV bệnh nhiệt đới Hà Nội quy mô 500 giường tại khu đất BV (khu đất xây dựng dự án BV này hiện được sử dụng làm BV dã chiến Mê Linh quy mô 200 giường); sớm ban hành kế hoạch cụ thể làm việc với các bộ chủ quản để điều chuyển các BV ngành về TP quản lý theo chỉ đạo tại Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017. Đồng thời, đề nghị TP giao Sở KH&ĐT là cơ quan thường trực phối hợp các sở, ngành liên quan đôn đốc hoặc xử lý nhà đầu tư có dự án xây dựng BV ngoài công lập khẩn trương thực hiện đảm bảo đưa vào hoạt động đúng tiến độ; chỉ đạo UBND quận huyện phối hợp các sở ngành bố trí kinh phí và triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các cơ sở y tế cấp huyện…
Đơn vị nào không đảm bảo được tiến độ thì đề xuất giao đơn vị khác 
Trước các ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đồng ý với các đề xuất của Sở Y tế, song cho rằng, về đầu tư cho các BV đạt chỉ tiêu giường bệnh, cân đối hiện được phê duyệt còn rất hạn chế, nên đề nghị cần rất rõ ngay từ thời điểm này về địa chỉ, cân đối nguồn vốn, phân công cho đơn vị hay địa phương nào. Thiết kế BV cũng cần có tiêu chuẩn, kỹ thuật riêng, nên cần xây dựng thiết kế quy mô cho phù hợp, khi đề xuất cần mang tính tổng thể luôn, tránh tình trạng manh mún. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế tham mưu TP ban hành một kế hoạch tổng thể duy trì và nâng cao hơn nữa hệ thống trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trong đó nâng cấp đồng bộ, chú trọng ứng dụng CNTT, số hóa và tạo điều kiện cho công tác khám sức khỏe ban đầu tại trạm.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương cho rằng, các chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình 08-CTr/TU đã rất rõ, để đạt được, TP cần cập nhật ngay những vấn đề dịch Covid-19 đang đặt ra với năng lực y tế cơ sở hiện nay, bắt đầu từ trạm y tế; xác định những đột phá của ngành y tế trong nhiệm kỳ. Việc bố trí đất trên cơ sở quy hoạch cần có sự chủ động và quan tâm thực sự cho y tế của Hà Nội, để đầu tư cho tương xứng. Đồng thời, đề nghị TP chú trọng công tác kiểm tra thanh tra thực hiện pháp luật về y tế, gồm cả công tác cán bộ, nhất là với các dự án y tế chậm, vốn cho ngành y tế…
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU phát biểu kết luận Hội nghị 
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Chương trình 08-Ctr/TU có ý nghĩa rất lớn đối với toàn thể cán bộ, Nhân dân Thủ đô, gồm các lĩnh vực rất rộng, trong đó các chỉ tiêu về y tế có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt liên quan chỉ tiêu giường bệnh/đầu người và quản lý đảm bảo sức khỏe người dân. "Thực hiện Chương trình không thể chung chung mà cần có sản phẩm cụ thể, quyết tâm làm bằng được, trong đó hiện chỉ tiêu giường bệnh đạt 27,1 và lộ trình TP phấn đấu đạt 30-35 giường/vạn dân" - Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.
Tuy nhiên, nhấn mạnh hiện công tác đầu tư công rất khó so với nhu cầu, chỉ cân đối được trong điều kiện thu ngân sách đạt tốt, Chủ tịch HĐND TP đề nghị, để đạt chỉ tiêu giường bệnh, các sở ngành, quận huyện cần đôn đốc tăng cường xã hội hóa. Trên tinh thần thực hiện các công việc một cách thực chất, khẩn trương, khoa học, để đẩy nhanh các dự án đầu tư công, cần đặt mục tiêu muộn nhất đến năm 2022 thực hiện xong 6 dự án BV; đồng thời cần có cách thức điều chỉnh. Sở KH&ĐT, Sở Y tế cần rà duyệt lại các đề xuất của Sở Y tế, trên quan điểm của TP thống nhất với các đề xuất này. Để triển khai thực hiện tốt, việc chuẩn bị đầu tư cần khẩn trương hơn, trong đó nếu đơn vị nào tự thấy không đảm bảo được tiến độ thì đề xuất TP giao đơn vị khác; Sở KH&ĐT và Sở Tài chính rà soát lại các chủ trương đầu tư, danh mục các dự án khác để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công.
Với vấn đề nhân sự lĩnh vực y tế, Chủ tịch HĐND TP lưu ý Sở Y tế nghiên cứu với cơ sở vật chất đang có thì nguồn nhân lực đi kèm ra sao; UBND TP cùng các sở rà soát để có kế hoạch đầu tư hợp lý. Trong đó, trạm y tế có vai trò rất quan trọng, UBND TP cần có đề án đầu tư cụ thể về cả cơ sở vật chất và cán bộ, quận huyện cần tích cực vào cuộc.

 
 
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần