Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hà Nội - Thái Nguyên sẽ ngày càng gần gũi nhau hơn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá: "Mối quan hệ hợp tác giữa hai địa phương đã có bề dày truyền thống, song nhiều lĩnh vực phối hợp cơ bản mới ở mức cùng nhau giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, chưa đạt được mục đích cuối cùng là phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của hai bên"

Trên đây là  ý kiến của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trong Hội nghị “Hợp tác - Phát triển” giữa TP Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên diễn ra hôm nay (21/6) tại tỉnh Thái Nguyên.

 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu.
Đáng chú ý tại đây, đại diện các sở, ngành của hai địa phương đã nêu nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, đề xuất những giải pháp cụ thể để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, ngành du lịch hai bên đã có kết nối rất gắn bó, nên tới đây để phát huy kết quả này, hai Sở Du lịch sẽ có kế hoạch phối hợp những nội dung cụ thể về tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch, tăng phối hợp trong tuyên truyền quảng bá các sản phẩm du lịch; tăng hỗ trợ hoạt động của các hiệp hội, DN…
Đáng chú ý, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ: Tại Hà Nội, nguồn cung mặt hàng rau củ quả mới đáp ứng 65% nhu cầu thị trường, nên Hà Nội rất cần kết nối với các tỉnh để đảm bảo nguồn cung rau củ quả rất lớn, nhất là các dịp lễ tết. Nhất là các sản phẩm chè của Thái Nguyên được người dân Hà Nội ưa chuộng.
Tuy nhiên, với yêu cầu cao về giá thành hạ, chất lượng an toàn thực phẩm rất cao của Hà Nội thì các sản phẩm Thái Nguyên muốn đẩy mạnh vào các kênh phân phối tại Hà Nội thì Tỉnh ủy cần chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh đẩy mạnh các vùng sản xuất an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ. Khi đó, Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ đầu vào cho các sản phẩm của tỉnh, đưa vào kênh phân phối của TP, trong đó sẽ đưa nông sản thực phẩm của Thái Nguyên theo các đoàn công tác của trung tâm xúc tiến thương mại TP để quảng bá.
“Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Sở Công Thương tỉnh, nhằm đề ra các giải pháp đẩy mạnh xây dựng phát triển thương hiệu, chống hàng giả cho các sản phẩm Thái Nguyên, nhất là chè, để phát triển bền vững, đảm bảo cung cầu”, bà Lan nhấn mạnh.
Về phía tỉnh Thái Nguyên, đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, để đẩy mạnh phát triển kết nối du lịch, tỉnh đang chuẩn bị khai trương trang web để giới thiệu về các điểm đến du lịch của tỉnh, nhờ đó du khách sẽ thuận tiện hơn khi đến với địa phương.
Lắng nghe các ý kiến tại đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trân trọng cảm ơn sự đón tiếp rất trọng thị của tỉnh và chúc mừng những kết quả phát triển KT-XH khả quan của tỉnh gần đây.
“Tôi và nhiều thành viên đoàn công tác rất vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh- một cơ sở cách mạng năm xưa. Trong đó, kinh tế tăng trưởng trên 30%, bình quân 5 năm qua luôn cao hơn cả nước (14%). Tốc độ chuyển dịch kinh tế rất nhanh, trong đó thương mại rất phát triển, tỷ trọng nông nghiệp giảm đi nhưng theo hướng chất lượng cao, an ninh trật tự tốt”, đồng chí nhấn mạnh.
 Phó Bí thư Thành ủy -Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trao hỗ trợ kinh phí của TP Hà Nội cho Quỹ xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội của Thái Nguyên 3 tỷ đồng.
Về kết quả hợp tác phát triển giữa hai địa phương, Phó Bí thư Thành ủy đánh giá mối quan hệ hợp tác đã có bề dày truyền thống, với nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều lĩnh vực phối hợp cơ bản mới ở mức cùng nhau giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, chưa đạt được mục đích cuối cùng là phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của hai bên.
Dẫn chứng trong lĩnh vực công thương, Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản rất rộng lớn với 10 triệu dân, chưa kể lực lượng lao động tự do hàng ngày, song các sản phẩm của Hà Nội mới đáp ứng được 30-40% nhu cầu. Đó là tiềm năng rất lớn cho hợp tác về nông nghiệp giữa hai bên. Hay như lĩnh vực du lịch cũng chưa phát huy hết tiềm năng.
“Mục đích của hợp tác là phải phát huy được nhiều tiềm năng, có lợi cho cả hai bên. Tôi giao Sở KH&ĐT hai bên cụ thể hóa các nội dung hợp tác, để sau 5 năm phải đo, đếm được”, đồng chí nói.
Bên cạnh đó, về công tác Đảng, chính quyền, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nên có trao đổi thêm. Nhất là trong hợp tác tăng hiệu quả hoạt động HĐND, hai bên cũng nên trao đổi kinh nghiệm với nhau để đào tạo được những người làm công tác HĐND hoạt động đúng luật nhưng vẫn có hiệu lực. Thái Nguyên cũng nên lựa chọn một số lĩnh vực như du lịch, văn hóa, giáo dục… để có những giải pháp trọng tâm, việc làm hợp tác cụ thể để có kết quả rõ nét hơn trong vòng 5 năm tới.
“Để đạt được kết quả cao trong hợp tác thời gian tới, hai địa phương cần nêu rõ hơn về công tác triển khai, trong đó phải tăng cường trao đổi. Các sở phải trao đổi theo hàng năm, sau đó có báo cáo với lãnh đạo”, đồng chí đề nghị.