Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Nguyễn Thu (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Nguyễn Vinh Quang – Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam, yếu tố Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ Việt - Trung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc - Ảnh 1

Mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Nói về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ngược lại thường gắn với các thời kỳ hoạt động, chuyến thăm, làm việc của Người tới quốc gia láng giếng này.

Những giai đoạn Bác Hồ hoạt động ở Trung Quốc

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, Bác Hồ có mấy thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, giai đoạn từ cuối 1924-1927, Bác ở Quảng Châu, ngoài liên lạc với các đồng chí cộng sản Trung Quốc, nhà lãnh đạo nơi đây, Người có mối quan hệ mật thiết với Nhân dân Trung Quốc. Hiện nay, ở những nơi Người đã hoạt động, lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc đang gìn giữ thành di tích lịch sử, như nơi Bác mở các lớp huấn luyện ở Quảng Châu.

Thời kỳ thứ hai, Bác trở lại Trung Quốc vào cuối năm 1929 để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời kỳ này Người hoạt động nhiều ở Hồng Kông. Đến năm 1931, Người bị chính quyền của Đế quốc Anh ở Hồng Kông bắt giam. Trong quá trình Bác bị giam giữ, các bạn bè, đồng chí và Nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhiều. Người đã ra khỏi nhà tù ở Hồng Kông, sau đó được các đồng chí của Trung Quốc giúp đỡ, tạo điều kiện để trở lại Quốc tế Cộng sản vào năm 1934.

Cuối năm 1938, từ Moscow, Bác trở lại Trung Quốc hoạt động. Giai đoạn này kéo dài đến tháng 1/1941. Đây là thời kỳ Bác có nhiều gắn bó với Nhân dân Trung Quốc nhất, đặc biệt là Nhân dân ở vùng Quế Lâm, Nam Ninh, Quảng Tây, Tĩnh Tây, Côn Minh, Vân Nam. Nhân dân Trung Quốc đã che chở và các đồng chí Trung Quốc cũng giúp Bác chuẩn bị về nước trực tiếp cách mạng.

Giai đoạn thứ tư, tháng 8/1942, với tên mới là Hồ Chí Minh, Người đã rời chiến khu Cao Bằng, sang Trung Quốc bắt liên lạc với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhưng bị Quốc dân Đảng bắt giữ. Khi được biết tin này, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã điện báo cho Chu Ân Lai đang ở Trùng Khánh tìm cách cứu Hồ Chí Minh. Vì vậy, khi nhận được điện từ Diên An, Chu Ân Lai lúc này dù đang bệnh nặng, nhưng vẫn cố gắng liên hệ với một số tướng lĩnh Quốc dân đảng yêu nước, tìm cách cứu Hồ Chí Minh. Cuối cùng sau nhiều nỗ lực của các đồng chí, bạn bè Trung Quốc thân thiết của Người, ngày 10/9/1943 Hồ Chí Minh được thả tự do.

Trong kháng chiến chống Pháp, cũng có một số lần Bác sang Trung Quốc, đáng chú ý,  sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (tháng 10/1949), đến tháng 1/1950, Bác đi bộ từ Thái Nguyên lên Cao Bằng rồi sang Nam Ninh (Trung Quốc), từ đây, Người đi tàu hỏa lên Bắc Kinh để gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt những vấn đề quan trọng, trong đó có việc để các nước trên thế giới công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch ĐCS Trung Quốc Mao Trạch Đông, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Tổng tư lệnh Chu Đức chụp ảnh nhân dịp Người sang dự lễ kỷ niệm 10 năm Quốc khánh Trung Quốc vào cuối tháng 9/1959. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch ĐCS Trung Quốc Mao Trạch Đông, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Tổng tư lệnh Chu Đức chụp ảnh nhân dịp Người sang dự lễ kỷ niệm 10 năm Quốc khánh Trung Quốc vào cuối tháng 9/1959. Ảnh: Tư liệu

Từ năm 1954 đến năm 1969, Người đã nhiều lần sang thăm Trung Quốc không chỉ theo nghi lễ ngoại giao mà còn dưới danh nghĩa là “đi nghỉ” để hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong những chuyến thăm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Hai người thường trao đổi với nhau về tình hình cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc cũng như phong trào cộng sản quốc tế. Trao đổi với Mao Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, nhà nước và Nhân dân Trung Quốc đã hết lòng giúp đỡ, viện trợ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Mao Trạch Đông coi đó là “một chút ít nghĩa vụ của hậu phương”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ Việt - Trung

Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam -Trung Quốc cho rằng: Có thể nói, trong quan hệ Việt Nam -Trung Quốc có nhân tố cực kỳ quan trọng, tồn tại vĩnh viễn, đó là nhân tố Hồ Chí Minh. Nhân tố Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt -Trung là cốt lõi, có tính chất định hướng.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, Bác Hồ có tổng cộng 12 năm sống và hoạt động ở Trung Quốc (chia làm nhiều đợt), có lẽ đây là thời gian nhiều nhất trong tất cả các nước Bác đến. Trong những năm tháng sống và hoạt động tại Trung Quốc,  Bác làm hai việc, thứ nhất là theo dõi và chỉ đạo cách mạng Việt Nam, thứ hai là giúp đỡ Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm cách mạng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thời gian sau khi miền Bắc được giải phóng, Bác đã sang thăm Trung Quốc rất nhiều lần và để lại ấn tượng rất tốt đẹp với người dân Trung Quốc. Theo ông Quang, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc rất sâu đậm, cứ nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dân Trung Quốc lại dành cho Người một sự ngưỡng mộ, kính trọng.

Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, có rất nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ đã xuất bản ở Trung Quốc. Theo ông, ngoài câu chuyện về Bác Hồ thì điều quan trọng nữa là họ đưa tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho người Trung Quốc biết và học tập.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, tại Trung Quốc hiện có khoảng 70 di tích mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó một số được gọi là Nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Khách tham quan các hiện vật tại khu di tích Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: Saigondautu
Khách tham quan các hiện vật tại khu di tích Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: Saigondautu

Ví dụ như Quảng Tây, có rất nhiều di tích được xây dựng, bảo vệ, tôn tạo thành những điểm du lịch. Đến đây, không chỉ thấy được dấu ấn của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà còn thấy những người cộng sản trên thế giới ngày xưa (trong đó có những người cộng sản Việt Nam, Trung Quốc) đã sống và làm việc thế nào. Đấy gọi là điểm “du lịch đỏ”.

Vẫn theo ông Nguyễn Vinh Quang, ở Trung Quốc có rất nhiều người nghiên cứu về Bác Hồ, gọi là những nhà Hồ Chí Minh học. Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp tổ chức các cuộc triển lãm về Bác Hồ nhân các ngày lễ.

Ví dụ như dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ, hai nước tổ chức một cuộc triển lãm với quy mô khá lớn. Người dân Trung Quốc đến xem rất đông, họ ghi cảm tưởng rồi họ mang đến di vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ví dụ như những quyển sách, đồ lưu niệm…

Cũng dịp đó, ông Nguyễn Vinh Quang biết được một người Trung Quốc treo trong phòng làm việc bức sơn dầu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chú thích "Không có một gánh nặng nào có thể làm oằn đôi vai con người này". Khi ông Nguyễn Vinh Quang ngỏ ý mượn bức tranh để trưng bày trong cuộc triển lãm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đàn ông Trung Quốc sẵn sàng cho mượn và coi đó là điều rất vinh dự. Ông không chỉ mang bức tranh mà còn đưa cả gia đình đến triển lãm.

Ngược lại, tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân Trung Quốc cũng rất đặc biệt. Kể cả khi chưa đến Trung Quốc, vào những năm 1920 - 1922, Bác Hồ đã viết rất nhiều bài báo nói về cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc, nói về cuộc sống kham khổ của người nông dân Trung Quốc đấu tranh với đế quốc Anh như thế nào… Đặc biệt là đối với nông dân Trung Quốc. Sau này có dịp đến thăm, Bác đều thể hiện tình cảm rất rõ ràng. Chính vì lẽ đó, hình ảnh của Bác Hồ trong lòng người dân Trung Quốc đã được lưu giữ qua thời gian. Đó là yếu tố bền vững trong quan hệ hai nước, vượt qua thời gian, không gian và qua nhiều thử thách.

Như lời ông Nguyễn Vinh Quang, những câu chuyện thể hiện tình cảm của người dân Trung Quốc với Bác Hồ có lẽ nói mãi không hết. Trải qua quá trình lịch sử, dù quan hệ giữa hai nước có lúc thăng trầm nhưng tình cảm của người dân Trung Quốc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không có gì thay đổi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần