Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội

Hồng Thái - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội. Báo chí có thế mạnh là khả năng kiểm chứng, kiểm định thông tin đa chiều, khả năng tạo ra những nội dung mang tính chuyên nghiệp.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 mang đến cho đội ngũ những người làm báo cả nước một khí thế mới, niềm tin mới. Ông có thể chia sẻ thêm về chương trình hành động của Hội Nhà báo trong thời gian tới?

- Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khá nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động của các cấp Hội; trong đó, câu chuyện đạo đức nhà báo gây nhiều lo lắng, bức xúc và quan ngại.

Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trương nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo cả về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Vì thế, hướng đi của Hội trong tương lai là xây dựng một đội ngũ nhà báo hiện đại, nhân văn, có tính chiến đấu, tính phản biện. Trong đó, yếu tố nâng cao đạo đức nhà báo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo chú trọng bảo vệ quyền lợi của các hội viên, quan tâm đến đời sống của các hội viên. Đồng thời, nâng cao sự hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam với các Hội Nhà báo trong nước, trong khu vực và trên thế giới, cũng như tăng cường sự liên kết chặt chẽ trong hoạt động giữa các Hội Nhà báo với nhau.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội - Ảnh 1
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao đổi với báo chí bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI

 

Cùng với đó, câu chuyện bảo vệ bản quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới. Tình trạng vi phạm bản quyền trong thời gian qua khá tràn lan và nhức nhối. Nếu các cơ quan báo chí không bảo vệ được bản quyền, rất khó để tồn tại, cạnh tranh với những cá nhân trên mạng xã hội. Để làm được việc đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống từ T.Ư đến các cấp Hội địa phương. Đồng thời, các cơ quan báo chí và từng nhà báo cần nêu cao tinh thần chủ động phối hợp và cũng phải mạnh dạn đổi mới sáng tạo.

Báo chí thế giới đang có rất nhiều thay đổi do khách quan, chủ quan, thay đổi do sự cạnh tranh công nghệ, do cách thức tiếp nhận thông tin của người dùng. Bởi vậy, báo chí Việt Nam không thể đứng yên, thậm chí không thể thụt lùi mà phải nhanh chóng tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, tạo ra được những sản phẩm phù hợp với nhiều nền tảng, nơi mà độc giả, khán thính giả sẽ theo dõi, hiện diện trên đó.

Nếu chúng ta không chủ động, người dân, độc giả, thính giả sẽ không nắm được thông tin, sẽ không có định hướng cho họ trong cuộc sống. Do đó, báo chí phải sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng nghiên cứu và chuẩn bị cho một tương lai mà thậm chí là khó đoán định.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về đạo đức nhà báo cũng như thách thức của người làm báo, ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Chuyển đổi số là hướng đi của các cơ quan báo chí hiện nay. Song không phải cơ quan báo chí nào cũng có được các chiến lược chuyển đổi số cụ thể. Về vấn đề này, Hội Nhà báo cũng như các cơ quan truyền thông đã phối hợp để có định hướng, hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản.

Chúng ta hiện đang nhầm lẫn giữa số hóa và chuyển đổi số. Báo chí hiện nay đang dừng lại ở việc mang các nội dung có tính truyền thống lên môi trường số. Trong khi đó, chuyển đổi số là thay đổi toàn bộ việc sản xuất thông tin đến bộ máy, hoạt động kinh doanh, tất cả đều diễn ra trên môi trường số, sử dụng công nghệ. Chuyển đổi số phải là sự chuyển đổi từ tư duy của các lãnh đạo đứng đầu cơ quan báo chí đến từng phòng ban, từng phóng viên.

Liên quan đến sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất báo chí hiện nay cũng có nhiều vấn đề cần đặt ra. Các cơ quan báo chí có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin bài, nhưng nếu sai sót, ai sẽ chịu trách nhiệm, điều này đang gây tranh cãi.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội - Ảnh 2
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại chợ đầu mối Long Biên khi khu vực này bị phong tỏa vì dịch Covid-19

 

Trong bối cảnh chuyển đổi số, câu chuyện đạo đức nhà báo không chỉ ở từng cá nhân mỗi nhà báo mà còn phụ thuộc vào cả hệ thống máy móc. Chuyển đổi số là tiến trình không thể bỏ qua nhưng có thể dẫn đến những điều khó lường trước, bởi vậy mỗi cơ quan báo chí cần phải nghiên cứu, tìm hiểu các cách làm hay của thế giới, đánh giá và học hỏi, song cũng cần tính đến những vấn đề bản sắc văn hóa riêng của Việt Nam khi làm báo.

Một trong những khó khăn, thách thức của báo chí hiện nay chính là sự bùng nổ của mạng xã hội. Để cạnh tranh với mạng xã hội, báo chí trong thời gian tới cần có định hướng thế nào, thưa ông?

- Trước hết, báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội. Do mỗi cơ quan báo chí chỉ có nhân lực giới hạn nhưng người sử dụng mạng xã hội là vô hạn và ở khắp mọi nơi. Báo chí có thế mạnh là khả năng kiểm chứng, kiểm định thông tin đa chiều, khả năng tạo ra những nội dung mang tính chuyên nghiệp.

Trong tương lai sắp tới, thay vì chạy đua với mạng xã hội tạo ra những nội dung hời hợt, không kiểm chứng nội dung, thậm chí là không có ích cho xã hội, báo chí nên đầu tư vào những nội dung chuyên sâu để phát huy tiềm năng, năng lực, sở trường của những nhà báo chuyên nghiệp. Thay vì vội vã chụp những bức ảnh có thể mang tính thời sự nhưng chất lượng không cao, các nhà báo có những hình ảnh, đoạn video, những bài viết mà những người bình thường không có khả năng tiếp cận thông tin, không có khả năng để viết ra những nội dung chuyên sâu như thế.

Ngoài ra, báo chí trong tương lai phải đi theo hướng không chỉ phản ánh sự việc, không chỉ phản ánh những gì xảy ra mà thậm chí phải gợi ý được những giải pháp cho xã hội. Xu hướng báo chí giải pháp trên thế giới đang nổi lên rất mạnh mẽ. Báo chí cũng đi theo hướng báo chí xây dựng, tuy phản ánh, phản biện hoặc nêu những vấn đề bất cập nhưng với tinh thần xây dựng xã hội, đó mới chính là những nội dung, thông tin mà người dùng cần ở báo chí.

Trong thời gian tới, Hội Nhà báo sẽ có những hoạt động nào để hỗ trợ các báo phát huy nội lực, ngày càng phát triển?

- Hội Nhà báo không phải là nơi vạch ra những chiến lược chung cho các cơ quan báo chí, mà là nơi hỗ trợ cho các cơ quan báo chí trong việc đào tạo nghiệp vụ, tăng cường mối quan hệ giữa các hội địa phương và các hội T.Ư, hoặc tăng cường các mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí, để có thể học hỏi lẫn nhau.

Ngoài ra, Hội Nhà báo cũng có thể giới thiệu những xu hướng mới mẻ để các cơ quan báo chí tham khảo và học hỏi theo, còn sự phát triển thế nào là phụ thuộc vào sự năng động và sáng tạo của các cơ quan báo chí.

Trong thời gian qua, còn có một số vấn đề tồn tại, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân do các cơ quan báo chí gặp phải những vấn đề về kinh tế báo chí, tôi không đồng ý với lý do này. Báo chí với sứ mệnh phụng sự khán, thính giả, phục vụ Nhân dân. Do đó, thời gian tới, Hội Nhà báo sẽ tăng cường phối hợp với Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo T.Ư, đảm bảo về mặt định hướng thông tin tuyên truyền, phối hợp thắt chặt quản lý các cơ quan báo chí, cá nhân vi phạm. Những cơ quan báo chí vi phạm nhiều lần, chúng tôi cũng kiến nghị cần có những giải pháp mạnh tay, thậm chí là rút giấy phép, lãnh đạo các báo có phóng viên vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!