|
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA. |
Ông đánh giá như thế nào về những tác động của đầu tư công đến thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh?- BĐS luôn luôn phát triển song hành với đầu tư công. Sự song hành ở đây cần hiểu theo nghĩa “có qua có lại”. Tức là đầu tư công hỗ trợ BĐS, thì ngược lại BĐS cũng giúp đầu tư công hoàn thiện. Ví dụ, tại khu Đông TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều công trình giao thông lớn được đầu tư bài bản đưa vào sử dụng như: Hầm Thủ Thiêm, Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Cầu Sài Gòn 2, đại lộ Phạm Văn Đồng, các tuyến đường vành đai… Đặc biệt, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang xây dựng hứa hẹn sẽ làm “thay da, đổi thịt” bộ mặt khu vực. Đây chính là lý do mà nhiều chủ đầu tư hướng sự quan tâm đến thị trường BĐS khu Đông, kéo theo đó là hàng loạt các công trình BĐS mọc lên nhằm hưởng lợi thế rõ nét từ hạ tầng và dịch vụ sầm uất của khu vực này.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không khó để thấy rằng, sự có mặt của các dự án BĐS đã giúp khu vực thu hút dân cư, hoạt động kinh tế phát triển, khiến cho hạ tầng của khu vực thêm hoàn thiện, sống động.
Để sự song hành giữa đầu tư công và BĐS mang lại kết quả tích cực, ông có đề xuất gì cho TP Hồ Chí Minh, thưa ông?- Đối với TP Hồ Chí Minh, HoREA mong muốn khi Tập đoàn Vingroup đầu tư Dự án khu đô thị lớn ở biển Cần Giờ, TP có thể xem xét đầu tư tuyến đường trên cao để nối từ dự án đến trung tâm TP. Theo tôi, đây là một ý tưởng rất tuyệt vời, dù biết rằng để thực hiện sẽ tốn kém, chưa kể phải kiếm một cái quỹ đất không hề nhỏ để làm cầu. Song tôi vẫn muốn nêu ý kiến, để TP tự cân nhắc.
Ngoài ra, với cao tốc TP Hồ Chí Minh đi Dầu Giây, theo quan sát, hiện phải đến ngã tư đường Quốc lộ 51 thì mới có (exit) lối ra, dọc hết tuyến đường không có lối ra nào khác, bất tiện này khiến các doanh nghiệp BĐS dù muốn đầu tư dự án cũng không thể làm được. Vì vậy, tôi kiến nghị, đối với đường cao tốc, trong phạm vi trên dưới 100 km, nên thiết kế một lối ra. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển đô thị, kể cả những điểm dân cư nông thôn.
Xin cảm ơn ông!