Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Hà Nội bước vào thời gian cao điểm chống dịch bệnh Covid-19

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Từ hôm nay đến 3-4 ngày nữa và kéo dài đến ngày 3/4 sẽ là thời gian cao điểm của Hà Nội”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.

Chiều 18/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo.
Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cao
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện nay rất phức tạp, những nước có dịch bệnh lây lan nhanh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có số ca nhiễm giảm xuống sau 12 tuần. Từ khi Việt Nam phát hiện ca thứ 17 (ngày 6/3), nếu theo đúng kịch bản diễn biến dịch bệnh như các nước trên, chúng ta mới bước sang tuần thứ 2.
 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo.
"Con đường phía trước còn rất dài. Nếu không định hình lại các nhiệm vụ, chúng ta sẽ mất rất nhiều công sức và vật lực, thậm chí không đủ sức cho những thời gian tiếp theo", Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Ở giai đoạn 2 (từ 6/3-PV), chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguồn lây nhiễm từ các quốc gia. Chỉ cần lọt một trường hợp, sẽ kéo theo rất nhiều trường hợp lây nhiễm chéo, như trường hợp an ninh ở sân bay Nội Bài hay tại Bình Thuận.
Chủ tịch cho biết, đến nay, Hà Nội đã cách ly được toàn bộ nguồn lây nhiễm từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, các nước từ châu Âu, Trung Đông, nhưng một số người về nước từ thời điểm 0h ngày 17/4 về trước nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Hiện nay, một số trường hợp về nước ngày 17/3 bắt đầu có biểu hiện sốt. Thực tế, có đến 8 chuyến bay phát hiện người dương tính như Bộ Y tế vừa thông báo vào Hà Nội từ ngày 14, 15/3. Hiện nay các quận huyện đang tích cực xác minh các trường hợp trên các chuyến bay từ châu Âu về Hà Nội từ ngày 17/3 về trước, đến ngày 3/4 sẽ kết luận được nhiễm bệnh hay không.
“Từ nay đến 3-4 ngày nữa và kéo dài đến ngày 3/4 sẽ là thời gian cao điểm của Hà Nội”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.
Người dân nên hạn chế ra ngoài
Chủ tịch yêu cầu nâng nhận thức mới về diễn biến dịch vô cùng phức tạp, những ngày tới tình hình phức tạp hơn, nguy cơ lây nhiễm cao. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị phụ huynh có con em từ các nước trên thế giới về thì nên cách ly tại nhà, không được ra ngoài.
Nhắc lại việc dừng hoạt động đông người, khu di tích, nhà hàng, quán bar, quán game online, massage, điểm vui chơi, Chủ tịch khuyến cáo những cửa hàng không thiết yếu cũng nên xem xét hạn chế hoạt động. Riêng những siêu thị, cửa hàng lương thực thực phẩm, cửa hàng thuốc tiếp tục hoạt động bình thường.
Từ nay đến 31/3, nếu không có việc cần thiết, người dân không nên ra đường nhiều. Đặc biệt, Hà Nội đang có khoảng 1,4 triệu người từ 60 tuổi trở nên cần tránh quá trình đi lại. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, “nếu thấy sức khỏe yếu”, có thể nên nghỉ làm, khuyến khích các doanh nghiệp làm việc online. Chủ tịch khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, hạn chế sử dụng giao thông công cộng, nên đi phương tiện cá nhân. Đồng thời, đề nghị người dân bình tĩnh, thực hiện tất cả các biện pháp mà Bộ Y tế đã hướng dẫn.
Chủ tịch UBND TP khẳng định TP đang chủ động và kiểm soát tốt tình hình, xác minh nhanh trường hợp có khả năng lây nhiễm chéo, bóc tách ngay lập tức các trường hợp có khả năng lây nhiễm chéo. Nếu người nước ngoài có nhu cầu có thể cho cách ly ở khách sạn, tự họ trả phí.
Tiếp tục xét nghiệm trên diện rộng
Theo Chủ tịch, hiện nay, các nhà khoa học các nước công bố nghiên cứu rộng rãi. Trong đó đáng lưu ý là virus Sars-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao; virus này ảnh hưởng không đồng đều, tác động khác nhau ở các độ tuổi khác nhau, trong đó tỷ lệ tử vong người ở trên 60 tuổi cao hơn những độ tuổi khác. Thời gian ủ bệnh chưa thể kết luận được vì từng trường hợp khác nhau lại có thời gian ủ bệnh khác nhau, lâu nhất là 39 ngày.
Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận huyện thường xuyên cập nhật để so sánh các biện pháp đang thực hiện với tình hình thực tiễn, nếu có biện pháp không còn phù hợp thì mạnh dạn loại bỏ, điển hình như không phải rà soát đến trường hợp tiếp xúc F4.
Chủ tịch UBND TP xác định: Nguồn lây nhiễm chính đối với TP hiện nay là từ nước ngoài. Thứ hai là từ những trường hợp du học sinh trở về, các du khách nước ngoài đã đến Hà Nội từ ngày 3-6/3. Nguồn thứ ba là các cán bộ đang làm nhiệm vụ, tiếp xúc gần với công dân đang tổ chức cách ly.
Xác định các nhiệm vụ sẽ vất vả và tăng lên, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện cần nhanh chóng xác định lại nguồn lực, cơ sở vật chất. Trên cơ sở kế hoạch, kịch bản mà TP đã đưa ra, các quận huyện cần phân công nhiệm vụ hợp lý.
Cụ thể, cần phát hiện tổ chức cách ly nhanh chóng. Tập trung phát hiện từ những người dân có biểu hiện ho, sốt, vận chuyển người này bằng các phương tiện y tế. Yêu cầu khai báo y tế và cách ly tại nhà đối với những người đi nước ngoài về.
“Tiếp tục xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm” – Chủ tịch UBND TP nói. Các cơ sở y tế phải đào tạo nguồn lực có khả năng lấy mẫu, để có lấy được 1.500 đến 3.000 mẫu/ngày. Nếu vậy phải có được ít nhất là 800 cán bộ.
Bên cạnh đó, có các biện pháp mạnh mẽ trong giám sát cộng đồng về việc tổ chức cách ly. Tổ dân phố tăng cường tuyên tuyền công dân tự giác khai báo. Các đội cơ động phải trực 24/24, khi có thông tin của người dân là phải triển khai nhiệm vụ ngay.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cho biết: Hằng ngày, TP đang tiếp nhận 600-800, 1.000 người dân về nước. Có thể, TP sẽ tiếp nhận khoảng 10.000 người về nước trong những ngày tới. Vì vậy, Hà Nội quyết định tổ chức cách ly tập trung để phòng ngừa.
Những trường hợp cần phải cách ly là những người từ nước ngoài tại các khu tập trung; cách ly F1 tại bệnh viện; cách ly F2 tại nhà. TP sẽ kích hoạt giám sát cộng đồng bằng GPS để giám sát tại nơi ở.
Ngoài ra, đối với những người là người nước ngoài đã nhập cảnh mà là trường hợp F1; cán bộ ngoại giao, các khách sạn đã cam kết bố trí khoảng 1.500 – 2.000 chỗ cho những người này. Còn các trường hợp cách ly để chữa bệnh đều tập trung tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh). TP đã chuẩn bị 6 bệnh viện cấp TP để hỗ trợ Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.
Chủ tịch UBND TP cho rằng, với diễn biễn dịch bệnh của 1 tuần qua, TP phải có những đánh giá mới, để đưa ra những phương án giải pháp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô trong thời gian tới.
Học sinh nghỉ thêm 2 tuần, đến 5/4
Theo Chủ tịch, với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, sẽ ảnh hưởng tới khung học do Bộ Giáo dục ban hành. Trần nghỉ học của sinh THPT đến ngày 5/4, thì kết thúc vào giữa tháng 8. Khung học này rất có thể lại bị nhỡ một lần nữa.
Hà Nội quyết định cho tất cả học sinh các cấp học trên toàn TP nghỉ đến ngày 5/4, theo trần của Bộ GDĐT đưa ra. Sau ngày 5/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, lãnh đạo TP Hà Nội sẽ quyết định lại lịch học.
“Như hiện nay, học sinh THPT cũng không thể đi học vào ngày 22/3 được. Do vậy, Chủ tịch giao Sở GDĐT báo cáo Bộ chương trình dạy học cho phù hợp. Trường hợp suôn sẻ, ngày 5/4 đi học lại thì chúng ta cũng sẵn sàng. Nhưng trường hợp xấu, không đi học được thì phải tính toán các bài giảng trên truyền hình cho phù hợp”, Chủ tịch nói thêm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GDĐT xây dựng chương trình dạy học trên truyền hình phù hợp với từng môn. Theo đó, với những môn nào phù hợp thì sẽ dạy trên truyền hình; những môn học còn lại, học sinh sẽ đến trường học khi có điều kiện.
“Có phụ huynh nhắn với tôi rằng, thậm chí cho các cháu đúp cũng được, cho an toàn”, Chủ tịch nói và đề nghị các trường dạy nghề cho học viên nghỉ học từ ngày mai, nếu có điều kiện thì học viên về quê, còn không thì ở tại nơi cư trú không di chuyển.