70 năm giải phóng Thủ đô

Chủ tịch nước: Hội Luật gia cần tích cực tham gia cải cách tư pháp

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã báo cáo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, trong đó chú trọng một số hoạt động chủ yếu những năm gần đây, như công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở; công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính; đối ngoại và hợp tác quốc tế. Báo cáo cũng trình bày về phương hướng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam đến hết nhiệm kỳ 2014-2019; cùng một số kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước.
Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đóng góp ý kiến trao đổi về sự phối hợp công tác trong các lĩnh vực liên quan với Hội Luật gia Việt Nam.
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao bước phát triển quan trọng cả về tổ chức, bộ máy, số lượng hội viên và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Từ chỗ chỉ có 40 hội viên khi thành lập, đến nay Hội đã có hơn 63.000 hội viên đã và đang làm công tác pháp luật trong cơ quan nhà nước, tổ chức. Hệ thống tổ chức Hội đã có ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 526 quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh và 52 chi hội tại các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương. Hội không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát và phục vụ kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ban, bộ, ngành, địa phương.
Các cấp Hội và hội viên đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở; tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, đóng góp tích cực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nổi bật là trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, Hội đã chủ trì xây dựng thành công hai đạo luật quan trọng, được Quốc hội khóa XII và Quốc hội khóa XIII thông qua, đó là Luật Trọng tài Thương mại và Luật Trưng cầu ý dân; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học với các hình thức khác nhau để đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương và địa phương, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng.
Hội đã mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, Hội Luật gia châu Á-Thái Bình Dương và Hiệp hội Luật các nước ASEAN…, góp phần thiết thực vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, Hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức được nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông, qua đó giới thiệu với các chuyên gia, học giả quốc tế về chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước, góp phần để cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn tác động và ảnh hưởng tiêu cực của những hành động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông đối với hòa bình, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, năm 2018 là năm thứ ba, năm bản lề có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đất nước đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển nhanh, bền vững, đi cùng với đó là không ít khó khăn, thách thức. Đây là năm các cấp Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Đại hội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII (nhiệm kỳ 2019-2024) vào năm 2019.
Bày tỏ đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 và những năm tiếp theo của Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội Luật gia Việt Nam chú trọng đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, thực sự là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật.
Hội Luật gia Việt Nam cần tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tư vấn pháp luật...; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội; chủ động đề xuất các sáng kiến, đề án, dự án để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, góp phần thiết thực vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn Hội Luật gia Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam… Cùng với đó, Hội cần chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn một số chức danh tư pháp và hội thẩm nhân dân..., góp phần từng bước hoàn thiện tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp; tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong việc thực hiện chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân. Hội cần chú trọng chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng các cấp Hội Luật gia trong sạch, vững mạnh; tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, đặc biệt trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác Hội; tiếp tục tạo điều kiện về nguồn lực để Hội hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, như: Tham gia phản biện xã hội, trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý mới được ban hành… Chủ tịch nước giao các bộ, ban, ngành có liên quan thực hiện những kiến nghị, đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam về một số vấn đề, như hoạt động đối ngoại, công tác tư pháp, công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý…/.