Đã giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cho thấy, trong giai đoạn 2019 – 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, TP, qua đó cả nước đã giảm được 08 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.
Cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.
Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đã được thực hiện theo đúng quy định.
Cùng với đó, việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC nông thôn vào đô thị không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế mà còn là cơ hội để mở rộng không gian phát triển đô thị, tạo cơ hội cho các đô thị có động lực phát triển. Sau khi sắp xếp, diện tích toàn đô thị và quy mô dân số đô thị tăng lên so với trước. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch đô thị, Chương trình phát triển đô thị sau khi sắp xếp các ĐVHC đã được thực hiện theo quy định…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả… Cùng với đó, chất lượng đô thị, mật độ dân số đô thị ở một số ĐVHC đô thị được hình thành trên cơ sở sáp nhập với ĐVHC nông thôn chưa được bảo đảm; sau khi sắp xếp, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị rất lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế….
Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát kiến nghị 03 nhóm giải pháp tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục các bất cập trong công tác sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 – 2021; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 – 2030; Về sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 – 2030.
Theo đó, về nhóm giải pháp sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 – 2030, Đoàn giám sát đề nghị, cần xác định đối tượng, lộ trình thực hiện phù hợp. Việc sắp xếp phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp để mở rộng không gian phát triển, tăng quy mô của ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động...
“Tránh vỏ là phường nhưng ruột vẫn là xã”
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và Nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2030; xem xét, thông qua tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết về tiêu chuẩn phân loại ĐVHC, phân loại đô thị.
“Bộ Nội vụ cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội những chính sách đặc thù về sắp xếp các ĐVHC để triển khai trong giai đoạn 2022-2025”- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu ý kiến.
Trong thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo cần làm rõ mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; thực tế kinh phí ngân sách đã tiết kiệm được; hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục phục vụ người dân sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Liên quan đến sắp xếp ĐVHC là đô thị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau khi sáp nhập giữa ĐVHC là đô thị với ĐVHC là nông thôn thì chưa bảo đảm đạt được 50% tiêu chí về đô thị. “Tránh vỏ là phường nhưng ruột vẫn là xã”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và yêu cầu đánh giá đủ tác động, bố trí nguồn lực để bảo đảm các tiêu chí.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt ra vấn đề tiêu chí, tiêu chuẩn nào để sắp xếp TP Thủ Đức (thuộc TP Hồ Chí Minh) bởi ĐVHC này đang là “chiếc áo quá chật”, chưa phân định rõ đây là ĐVHC cấp quận hay lớn hơn cấp quận. TP Hồ Chí Minh đang đề nghị cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức, đây cũng là vấn đề đặt ra cho TP Hà Nội trong quá trình chuẩn bị thành lập “thành phố trong thành phố” thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, tại các đô thị lớn như Hà Nội, sau khi sáp nhập ĐVHC thì số lượng hộ dân tại địa bàn dân cư lớn hơn rất nhiều nên nếu vẫn giữ cách thức vận hành hành chính; phân bổ số lượng cán bộ, viên chức cũng như chế độ đãi ngộ cho lực lượng này; số lượng trường học, trạm y tế... như đối với các địa phương khác thì sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, phục vụ người dân trên địa bàn.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tiếp thu ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nêu rõ, Chính phủ sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp các ĐVHC.
Tại phiên họp, với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.