Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Tự thân con số nói lên tất cả”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 9/5, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các báo cáo trình Quốc hội cần ngắn gọn, sát thực, khách quan, có trọng tâm, trọng điểm và định lượng vì “tự thân con số nói lên tất cả”.

Đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng

Tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Chính phủ có nhiều “màu hồng” trong khi đó phân tích về tồn tại, hạn chế, đặc biệt phân tích về nguyên nhân không rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước. Thực ra không phải đến quý I/2023 tăng trưởng mới giảm đột ngột, rơi từ 8,2% xuống 3,32% mà từ cuối quý III, đầu quý IV/2022 đã có xu hướng giảm và đã được nhận định. Đánh giá đúng biểu đồ này thì không cảm thấy đột ngột.

Về tình hình đầu năm 2023, Chính phủ nêu là dù có nhiều khó khăn, nhưng những biện pháp tháo gỡ ban hành từ đầu năm đã tạo chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu DN, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn dòng tiền cho nền kinh tế… Phó Chủ tịch Quốc hội thông tin: “Thực tế khi chúng tôi làm việc với chuyên gia và nhà khoa học, họ nói dòng tiền vẫn còn nghẽn đâu đó. Cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng là các doanh nghiệp thân thuộc”.

Nêu ra một số tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế như: Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế bởi tác động bên ngoài còn rất hạn chế…, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, một trong  nguyên nhân đó là giải quyết các tồn tại chậm trong xử lý ngân hàng yếu kém, các dự án yếu kém, hiệu quả giải ngân đầu tư công… “Kinh tế của chúng ta mở nhưng nếu bên trong tốt thì giảm thiểu được tác động bên ngoài. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì doanh nghiệp nói rất thẳng thắn rằng người ta đã dùng những đồng cuối cùng của dự trữ để trang trải cho 2 năm vừa rồi, bây giờ thì không còn gì nữa” – Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, Chính phủ cần tập trung phân tích cụ thể hơn vào những vấn đề bất cập, nhất là những yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành quyết định những vấn đề trước các tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng cần có linh hoạt, quyết đoán, mạnh mẽ hơn, không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở các bộ, ngành và địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hôi Vương Đình Huệ, một điểm sáng trong quý IV/2022 là nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh chúng ta đối diện nhiều cú sốc, Bộ Chính trị có kết luận, từ đó giữ được vĩ mô, ổn định tỉ giá và lạm phát. “Điều này là lớn lắm chứ không phải nhỏ, báo cáo cần nhấn mạnh” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đồng tình với nhiều đánh giá về hạn chế, tồn tại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì để có giải pháp phù hợp, bám sát kết luận của Trung ương, Quốc hội.

Đối với 2023, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải quán triệt, bám sát những nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Trung ương để hoàn thiện báo cáo. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, cơ bản giữ được ổn định vĩ mô, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định, tổng mức bán lẻ tăng đến 12,8% so với cùng kỳ năm trước. 

 

"Tập trung bám sát vào những giải pháp đã có trong nghị quyết của Quốc hội, kết luận Trung ương, sát với những nguyên nhân hiện nay như phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng ý một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai"- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khác lại giảm nhanh là điều cần phải tập trung suy nghĩ, thảo luận như chỉ số sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng, số lao động trong khu vực công nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Về đầu tư dù nỗ lực cố gắng nhưng cũng chỉ bằng 19% so với dự toán giao. Thu hút FDI giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước 4 tháng, vốn đầu tư thực hiện cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm đến 11,8%, nhập khẩu giảm 15,4%. Cán cân thương mại thặng dư nhưng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD, xuất siêu chủ yếu là đầu tư nước ngoài. Lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số giá bình quân. Các thị trường vẫn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân vẫn đang rất khó khăn. 

“Những con số trên đã nói lên được tất cả mà không cần nhiều lời”- Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng thời cho rằng, cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó mới có giải pháp.

Cùng với đó, cũng cần đẩy nhanh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các loại quy hoạch chuyên ngành như Quy hoạch điện VIII. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nhận diện được hết tất cả những thành tựu, kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức; tập trung nhiều vào việc họp bàn kỹ, quyết theo từng nhóm vấn đề để giải quyết.

Né tránh, đùn đẩy vẫn là nguyên nhân

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận định, 3 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, bấp bênh, bất định, khó lường, thách thức nhiều hơn thuận lợi nên kinh tế nước ta tăng trưởng thấp với 3,32%. Các chuyên gia nhận định quý 2 còn nhiều khó khăn, đặt ra thách thức rất lớn với Chính phủ trong điều hành và tính khả thi của mục tiêu đạt tăng trưởng 6,5% là vô cùng khó khăn.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến thực trạng vẫn còn tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Thủ tướng có Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, báo cáo trình Quốc hội nên có địa chỉ nơi làm tốt và nơi không tốt, thẳng thắn và thực chất; xử lý một số trường hợp để giải quyết câu chuyện cầm chừng, sợ trách nhiệm hiện nay đang phổ biến ở các địa phương, bộ ngành.

“Địa phương thấy khó làm thì có văn bản hỏi bộ ngành, bộ ngành lại trích theo luật và đề nghị làm theo luật, cứ qua lại như vậy. Địa phương bí cũng không suy nghĩ cách làm lại cứ hỏi Trung ương. Cần rõ ràng về tình trạng cầm chừng, đùn đẩy, đá qua đá lại” – bà Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm.

Quan tâm đến việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị, địa phương chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, còn nhiều trường hợp vi phạm. Tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, vị trí công tác gây nhũng nhiều, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Hiện tượng người dân phải "lót tay" để giải quyết công việc diễn ra nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn chủ yếu từ bên ngoài, nhưng bên trong khó nhất là tâm lý thị trường, niềm tin xã hội, né tránh trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp.

Bộ trưởng dẫn số liệu cho thấy thành phố Hồ Chí Minh riêng năm 2022 có 584 văn bản hỏi Bộ KH-ĐT và Bộ trả lời 604 văn bản. Vấn đề nằm ở chỗ nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. “Đó là hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá lên trên rồi ngồi chờ, tức là không làm. Vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy không làm” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Phân tích về khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh đến vấn đề dòng tiền; nhiều doanh nghiệp lớn nói đã bán gần hết tài sản, cái gì bán được đã bán với chỉ 50% giá thực. Bên cạnh đó là thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian. Thể chế cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện, thủ tục nhưng thông qua văn bản bộ ngành, địa phương phát sinh hàng nghìn thủ tục mới.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đang giao Viện Quản lý kinh tế Trung ương rà soát lại xem các văn bản nào của bộ ngành có nội dung trái, đi ngược quy định, làm hạn chế chế quyền của doanh nghiệp, bởi đây là vấn đề làm cản trở, ách tắc hoạt động của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Chính phủ rất nỗ lực, với nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, họp, chỉ đạo, ban hành thể chế và bước đầu có chuyển biến tích cực, dấu hiệu tháng 4 tốt. Tuy nhiên để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, các quý còn lại phải đạt rất cao, ở mức khoảng 8% là rất khó. Chính phủ đang giữ mục tiêu này để phấn đấu”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần