Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Quốc hội:Chú trọng cả "phòng" và "chống" tiêu cực trong xây dựng pháp luật

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Chủ tịch Quốc hội cho rằng kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật không chỉ có Quốc hội giám sát Chính phủ mà nhiều cơ quan, chủ thể phải cùng giám sát lẫn nhau.

Chủ tịch Quốc hội:Chú trọng cả "phòng" và "chống" tiêu cực trong xây dựng pháp luật - Ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 9/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội.

Tại phiên họp, Đảng đoàn Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật (Quy định) và Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội.”

Tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga... cùng đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.

Tại phiên họp, Đảng đoàn Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày dự thảo Tờ trình về Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Trên cơ sở Tờ trình và các ý kiến tại phiên họp, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao Ban soạn thảo dự thảo Quy định và Thường trực Ủy ban Tư pháp đã làm việc khoa học, công phu, lấy ý kiến nhiều cơ quan, chuyên gia để xây dựng một đề án chất lượng trong thời gian rất sớm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Quy định tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đảng đoàn Quốc hội tại phiên họp. Đồng thời, tiếp tục bám sát tinh thần chỉ đạo, “đặt hàng” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo đó, tập trung vào vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trên cơ sở đó, xác định nội hàm của kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật như thế nào, nhận diện các hành vi lạm quyền trong xây dựng pháp luật ra sao…

Lưu ý công tác xây dựng pháp luật có rất nhiều khâu, liên quan đến rất nhiều chủ thể khác nhau - không chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mà còn cả đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của chính sách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật không chỉ có Quốc hội giám sát Chính phủ mà nhiều cơ quan, chủ thể phải cùng giám sát lẫn nhau, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong tất cả các khâu từ đề xuất chính sách cho đến soạn thảo, ban hành chính sách pháp luật.

Trên cơ sở đó, xây dựng các quy định cụ thể, hiệu quả để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý phải chú trọng cả quy định “phòng” và quy định “chống,” có chế tài cụ thể, rõ ràng để bảo đảm kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Nhất trí với nhiều ý kiến tại phiên họp về việc Quy định này chỉ nên tập trung vào công tác xây dựng pháp luật, không bàn rộng ra khâu tổ chức thực hiện pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục chỉ đạo việc tổng kết, rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát việc tổ chức thực thi pháp luật, rà soát, phát hiện những “lỗ hổng,” những sơ hở trong hệ thống pháp luật (hiện đang làm và tới đây phải chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn) để từ đó kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Tiếp đó, sáng cùng ngày, Đảng đoàn Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội Khóa XV."

Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu theo đúng quy trình để thực hiện đúng Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội; đồng thời đề nghị tiếp thu ý kiến Đảng đoàn Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Đề án với tên gọi “Đề án về Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về tổ chức và hoạt động của Quốc hội."

Các ý kiến cũng lưu ý biên tập, thiết kế lại bố cục Đề án, hoàn thiện dự thảo Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về nội dung này, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm của Đảng đoàn Quốc hội về công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội và làm rõ các giải pháp cụ thể, tổ chức thực hiện./.