Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga: Tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp tư nhân cống hiến

Khắc Kiên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế tư nhân đã chiếm 40% GDP Việt Nam, trong khi các nước phát triển kinh tế tư nhân chiếm 80% GDP và trở thành nền tảng trụ cột của quốc gia.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN tư nhân Việt Nam cho rằng: Cần xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn thế mạnh của quốc gia.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, việc khai thác tối đa trí tuệ, sức sáng tạo to lớn của cộng đồng DN, DN tư nhân, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong xã hội về quyền, trách nhiệm DN, doanh nhân đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước và các địa phương.
Phát triển ngành kinh tế mũi nhọn
Bà đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay?
- Đơn giản hóa và tự động hóa các thủ tục hành chính dù đã có nhiều thành tựu, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều bất cập gây khó khăn và lãng phí thời gian, nguồn lực cho DN, tạo kẽ hở cho tiêu cực. Đơn cử như dự án cần được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào hoạt động, tạo việc làm cho người lao động, nộp ngân sách, đóng góp nhưng lại gặp khó...
 Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga.
Trong thời đại công nghệ 4.0, Chính phủ có thể nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào quy trình hành chính nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc cơ học giữa DN với các cơ quan lý, thủ tục hành chính tinh gọn và chính xác sẽ giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Từ đó sẽ giúp minh bạch hóa, trong sạch hóa nền hành chính công, nhiều DN vươn lên phát triển mạnh mẽ làm giàu cho đất nước. Đó là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, mong rằng Chính phủ sẽ lắng nghe được các ý kiến hiến kế, từ đó hoàn thiện thể chế... để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước.
BRG là một Tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế, theo bà để phát triển kinh tế tư nhân cần tập trung vào lĩnh vực nào?
- BRG là tập đoàn kinh doanh đa ngành với gần 30 năm hoạt động đầu tư kinh doanh với đội ngũ nhân viên gần 22.000 người. Để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Việt Nam cần xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn thế mạnh của quốc gia.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động cần tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn dựa vào hai cơ sở: Thứ nhất, hình thành trung tâm tài chính khu vực. Thứ hai, sản xuất công nghiệp cần tận dụng cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa thu hút du khách phổ thông và cao cấp. Hiện nay chủ yếu vẫn thu hút du khách phổ thông và đang dần chuyển dịch sang thu hút thêm phân khúc cao cấp. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch cao cấp. Chúng ta cần có chiến lược ở tầm quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng, có ngân sách để đầu tư hệ thống cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Cần có sự hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân
Bà đang nói đến chiến lược quốc gia về đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch... Cụ thể như thế nào, thưa bà?
- Tôi cho rằng, đầu tư phát triển các hạ tầng du lịch cao cấp như sân golf, casino, resort, tổ chức các festival… để phục vụ phân khúc khách du lịch cao cấp. Đơn cử, mới đây có một đám cưới của cặp đôi Ấn Độ tổ chức tại Sheraton Grand Đà Nẵng có tới 150 đầu bếp, và rất nhiều chuyên cơ. Đây là đám cưới lớn nhất tôi từng thấy.
Việc ngày càng có nhiều du khách tổ chức đám cưới tại Việt Nam chứng tỏ danh tiếng của du lịch Việt Nam ngày càng tăng. Cho nên, Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá và đầu tư cho phát triển du lịch. Đồng thời nên xác định làm du lịch vì danh tiếng chứ không chỉ vì lợi nhuận.
Ngoài ra, cần phát triển thêm các mô hình cửa hàng miễn thuế, đặc biệt là tại các sân bay để khuyến khích các du khách quốc tế chi tiêu. Điều này, Việt Nam có thể học tập Nhật Bản, Hàn Quốc…, các quốc gia rất thành công với mô hình cửa hàng miễn thuế. Bên cạnh đó, từ những thế mạnh sẵn có, nhiều lĩnh vực truyền thống đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ thế giới. Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, hình thành các vùng chuyên canh chế biến.
Bản thân công ty thành viên Hapro của BRG hiện đã xuất khẩu gạo và hạt điều trên 80 nước trên thế giới vào TOP 10, năm 2018 thu về nguồn ngoại tệ 108 triệu USD, nếu có chính sách hộ trợ, nhất là về giá thì tôi tin rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tốt hơn, đứng thứ hạng cao hơn trên thế giới khi có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia.
Vậy bà có những kiến nghị và mong muốn gì ở Chính phủ?
- Kinh tế tư nhân đã chiếm 40% GDP, trong khi các nước phát triển kinh tế tư nhân chiếm 80% GDP và trở thành nền tảng trụ cột của quốc gia. Do đó, để nền kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, tôi cho rằng ngoài các chính sách vĩ mô, cần đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, cần có chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế nhận được những ưu đãi công bằng, không quá ưu tiên cho doanh nhân FDI. Tăng cường bảo hộ cho DN tư nhân, đặc biệt là các DN có đóng gớp lớn tạo thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Bên cạnh đó, cần cho phép DN tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước vẫn độc quyền như đường sắt, truyền tải điện và hạ tầng hàng không… DN tư nhân có đủ kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, giúp Chính phủ hạn chế nợ công, đồng thời tận dụng được nguồn vốn tư nhân và vốn FDI.
Từ đó, Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Với nền kinh tế số, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển để theo kịp xu hướng của thế giới.
Ngoài ra, theo bà Nga, Chính phủ cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ DN tư nhân đồng thời tránh các tiêu cực, nhũng nhiễu. Trong các trường hợp nhất định, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ DN tư nhân trong lĩnh vực trọng điểm kinh tế để cạnh tranh với quốc tế. Đồng thời Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.
Xin cảm ơn bà!