Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Hợp tác, liên kết phát triển vùng để tạo sự “cộng hưởng”

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành phố Hà Nội kêu gọi các địa phương bạn tiếp tục đồng hành, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển vùng để tạo sự “cộng hưởng” trong phát triển, để Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các Vùng dẫn đầu cả nước về kinh tế...

Chiều 27/12, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ, TP Hà Nội đã chủ trì tổ chức “Hội nghị hợp tác phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ năm 2016”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau hơn 3 giờ làm việc tập trung và tích cực, Hội nghị “Hợp tác phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016” đã ghi nhận nhiều ý kiến quý báu liên quan đến một số nội dung liên kết, hợp tác phát triển giai đoạn 2017-2020 của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, Hội nghị đã được nghe các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố tham luận, đóng góp ý kiến và đề xuất kiến nghị để Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày càng phát triển, xứng đáng là trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước. Thay mặt cho các tỉnh, thành phố. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ xin tiếp thu những những ý kiến tham vấn đầy trách nhiệm của các quý vị đại biểu.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, có thể nói, những kết quả được ghi nhận tại Hội nghị lần này sẽ góp phần mở ra cơ hội phát triển mới, với những thành tựu mới cho Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, sự đồng thuận, thống nhất của 7 thành viên Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong Kế hoạch Điều phối phát triển Vùng giai đoạn 2017-2020 và Bầu Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng là Chủ tịch Hội đồng Vùng nhiệm kỳ 2017-2018 sẽ là bước đệm vững chắc để Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ bứt phá trong thời gian tới.

Và Biên bản Hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực mà 15 tỉnh, thành phố ký kết đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực đổi mới phát triển và gắn kết các vùng thành chuỗi phát triển kinh tế bền vững của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô.

“Nhân đây, tôi đề nghị các tỉnh, thành phố nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung trong Kế hoạch điều phối và Biên bản hợp tác thành những nhiệm vụ cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, động lực của mỗi địa phương và của toàn Vùng trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được coi là có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng, đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển.

Đây cũng là Vùng đi đầu về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

“Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhiệm kỳ 2015-2016, tôi nhận thấy, cùng với Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đã cơ bản thực hiện xong các nhiệm vụ năm thứ nhất của Kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020, đây là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với những thời cơ mới, vận hội mới”, Chủ tịch bày tỏ.

Mặc dù, những kết quả ghi nhận được cho thấy mức tăng trưởng cao trong toàn vùng, tuy nhiên, với vai trò là Vùng động lực phát triển của cả miền Bắc và cả nước thì tăng trưởng công nghiệp của Vùng vẫn còn một số hạn chế, cần được thay đổi trong thời gian tới.

Trong đó tập trung vào việc tạo ra những đột phá trong tăng trưởng công nghiệp; áp dụng những thành tựu khoa học hiện đại vào sản xuất, đặc biệt cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, để làm sao có thể thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành Vùng công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030.
 Các đại biểu ký biên bản hợp tác
Phát triển công nghiệp vùng gắn với khoa học công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới; tạo nên các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước và tham gia vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Những mục tiêu lớn và cơ bản ấy rất cần đến các giải pháp về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, sự hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn cùng nhiều chính sách khuyến khích đầu tư khác,…

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển của các Vùng đã được Chính phủ xác định tại các Quy hoạch phát triển Vùng, thay mặt cho các tỉnh, thành phố, thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với liên kết, phát triển Vùng bền vững.

Thành phố Hà Nội kêu gọi các địa phương bạn tiếp tục đồng hành, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển vùng để tạo sự “cộng hưởng” trong phát triển, để Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các Vùng dẫn đầu cả nước về kinh tế, nòng cốt tiên phong thực hiện các đột phá chiến lược, tái cấu trúc kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Để có thể thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, thành phố Hà Nội kêu gọi các tỉnh, thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, trong đó doanh nghiệp với vai trò nòng cốt, là động lực phát triển của mỗi địa phương tận dụng thời cơ, thuận lợi trong liên kết, phát triển Vùng, tạo ra những chuỗi liên kết giá trị bền vững, cụ thể là:

Mục tiêu đầu tiên là các địa phương cần kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản thực phẩm, đặc biệt rau an toàn và thực phẩm sạch. Việc xây dựng các chuỗi nông sản, thực phẩm liên tỉnh sẽ cơ bản kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hướng đến môi trường sống an toàn.

Hà Nội và các địa phương trong Vùng cần tỏ rõ thái độ, quan điểm trong việc tự kiểm soát và chịu trách nhiệm về chất lượng khi cung ứng sản phẩm liên tỉnh. Để các sản phẩm trong Vùng có thể cạnh tranh với các Vùng khác, chúng ta cần quan tâm đến mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu và thương hiệu.

Có thể nói, trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, việc đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản không chỉ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt nói chung, nông sản của Vùng nói riêng với nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa.

Thủ đô Hà Nội cam kết sẽ tạo nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản an toàn nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Trong bối cảnh phát triển Vùng, nhu cầu liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu càng trở nên cấp bách. Hoạt động này không chỉ hướng đến việc quảng bá, giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm có thế mạnh của các địa phương mà còn góp phần nâng cao giá trị hàng Việt trong thời kỳ hội nhập, góp phần thực hiện thành công chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Việc kết nối cung cầu hàng hoá chính là chiếc cầu nối vững chắc đưa hàng hoá của Hà Nội đến với Vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ và ngược lại. Kết nối cung cầu còn giúp Doanh nghiệp chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, hình thành các chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển bền vững.

Thủ đô Hà Nội luôn sẵn sàng đi đầu trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng Việt, nhất là khi lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới.

Tăng cường kết nối các tua du lịch để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm du lịch của các địa phương trong Vùng là điều tất yếu trong thời gian tới. Các tỉnh, thành phố nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô được thiên nhiên ưu đãi với những tiềm năng du lịch rất phong phú và đa dạng, có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Du lịch sẽ càng phát triển khi có những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm tính văn hóa vùng miền và có chuỗi liên kết khu vực.
 
Hơn nữa, trong xu thế hội nhập quốc tế của du lịch Việt, việc tăng cường sự gắn kết phát triển du lịch giữa các vùng, địa phương sẽ trở thành chất xúc tác quan trọng giúp ngành du lịch các địa phương bổ sung những điểm thiếu, yếu trước khi hòa vào môi trường cạnh tranh lớn trên thế giới.
“Tôi đề nghị các tỉnh, thành phố trong Vùng cần tổ chức nhiều sự kiện hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ du lịch liên tỉnh, trong quảng bá du lịch có sự kết hợp chặt chẽ giữa quảng bá giá trị di sản văn hóa các tỉnh, thành phố gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Du lịch có phát triển mới kéo theo nhiều ngành nghề, dịch vụ phát triển và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị các tỉnh, thành phố hàng tháng tổ chức 1 đêm văn hóa tại phố đi bộ Hoàn Kiếm để giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, tạo sức hút về du lịch cho các địa phương trong Vùng.

“Tôi tin rằng, không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm sẽ cởi mở hơn, sẽ đa sắc hơn, thu hút người dân và du khách hơn khi được thưởng lãm những giá trị văn hóa truyền thống được trình diễn một cách bài bản, nguyên gốc giữa lòng Thủ đô. Điều quan trọng là thông qua những đêm văn hóa, người dân Hà Nội và du khách sẽ được tìm hiểu, có thêm kiến thức văn hóa về những vùng đất mới, con người mới và tiềm năng văn hóa du lịch mới, đây được coi là cách quảng bá văn hóa, du lịch hiệu quả”.

Trong thời gian tới, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn, Chúng ta phải hành động để nâng cao vị thế của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô vốn được coi là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế. Mỗi tỉnh, thành phố cần nỗ lực phấn đấu để trở thành những hạt nhân của Vùng và cả nước về phát triển kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển chung của cả nước và trợ giúp vùng khó khăn, từng bước đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN và trên trường quốc tế.