Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Trước đó, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo các sở, ngành đã kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội gồm cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và hầm chui Lê Văn Lương.
Những nút thắt quan trọng
Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, ban đang triển khai khoảng 60 dự án đầu tư công; 9 dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó 4 dự án đang thực hiện. Tổng số vốn được giao năm 2022 là 1.900,48 tỷ đồng, gồm 1.727,572 tỷ đồng vốn trong nước và 162,908 tỷ đồng vốn ODA.
Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội là một trong những đơn vị chủ lực của Thủ đô trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm nhiệm nhiều dự án rất quan trọng như: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; đường nối Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3; hầm chui Lê Văn Lương; hầm chui nút giao Vành đai 2,5 - Giải Phóng… đến tháng 8 vừa qua, Ban đã giải ngân được 883,2 tỷ đồng, đạt 46,5% kế hoạch vốn cả năm.
“Ban cam kết sẽ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn được giao, phấn đấu đạt đến 95,0%. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu đó, ban rất cần được UBND TP, các sở ngành, địa phương liên quan quan tâm, phối hợp, tạo điều tối đa để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong nhiều dự án” - ông Nguyễn Chí Cường nói.
Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thông tin, ví như tại dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hiện TP đã duyệt chỉ giới đường đỏ 3/5 đoạn tuyến trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đã kết luận giao Viện Quy hoạch xây dựng hoàn thiện gửi Sở QH - KT thẩm định, trình UBND TP phê duyệt trước ngày 30/8 đối với hai đoạn tuyến còn lại. Tuy nhiên, ban chưa nhận được quyết định phê duyệt chỉ giới, chưa có cơ sở cắm mốc tại hiện trường và trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với hai đoạn tuyến còn lại: Từ Cầu Hồng Hà - Quốc lộ 32 và từ Quốc lộ 1A - cầu Mễ Sở.
Hay như dự án dự án đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, đã cơ bản hoàn thành, nhưng chưa triển khai thẩm tra ATGT, ảnh hưởng đến mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay. Còn dự án dường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, từ khi Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nảy sinh tranh chấp đã rơi vào bế tắc, không thi công.
Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng - Quốc lộ 1A sau nhiều năm vướng mắc, nay đã giải phóng mặt bằng được khoảng 95% khối lượng, nhưng do chưa gia hạn hợp đồng dự án nên nhà đầu tư không thể thi công. Sự chậm trễ này còn ảnh hưởng cả tới việc triển khai kết nối đồng bộ với dự án xây dựng hầm chui tại nút giao giữa Vành đai 2,5 - đường Giải Phóng dự kiến khởi công tháng 10 tới.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định, mỗi dự án chỉ vướng mắc một phần, hoặc một đoạn ngắn nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ tổng thể. Bởi vậy, cần nhìn nhận rõ đây là những nút thắt quan trọng cần sớm tháo gỡ để tăng cường hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông TP.
Linh hoạt, mạnh dạn trong giải quyết công việc
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã biểu dương nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thời gian qua. Đồng thời đề cao sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành địa phương, nhà đầu tư, nhà thầu trong thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của TP.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải chủ động, linh hoạt, mạnh dạn, sát sao hơn nữa trong công tác. Đối với dự án Vành đai 4, UBND TP sẽ chủ trì họp một cuộc riêng để khai thông vướng mắc. Tuy nhiên, các gói thầu tư vấn của dự án đã có đủ cơ chế, quy định cho phép chỉ định thầu, cần được triển khai nhanh chóng, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn dự án.
Đối với các dự án PPP còn vướng mắc như đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, Vành đai 2, Vành đai 2,5, đoạn đầm hồng - Quốc lộ 1A... Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Ban phối hợp với Sở GTVT, Sở KH&ĐT nhanh chóng rà soát, tham mưu cho TP phương hướng giải quyết dứt điểm những tồn tại, khúc mắc. Đối với dự án Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A, cần gia hạn hợp đồng PPP đến khi hoàn tất điều chỉnh để nhà thầu có thể tranh thủ thi công ngay.
Với dự án Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, yêu cầu Sở GTVT và các đơn vị liên quan phải nhanh chóng triển khai thẩm tra, thẩm định, đảm bảo đạt mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022, góp phần giải quyết UTGT trên tuyến.
Với dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, nếu nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về tiến độ cần rà soát, đánh giá lại, có thể chuyển phần còn lại sang thực hiện theo hình thức đầu tư công. “Giao thông phải phát triển thì kinh tế mới có thể phát triển” - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, các sở, ngành, đơn vị liên quan phải chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đề xuất danh mục các dự án đầu tư trong các giai đoạn tiếp theo; đi trước một bước trong công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng nhằm tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án sau này...
Đối với một số dự án trọng điểm sắp về đích như: hầm chui Lê Văn Lương, cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, Vành đai 2..., Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu tổ chức lại giao thông khu vực phụ cận và những tuyến đường kết nối các công trình này.
“Phải nghiên cứu các phương án tổng thể về hạ tầng, đèn tín hiệu giao thông kết hợp tổ chức, phân luồng sao cho phù hợp nhất. Bởi, nếu không sẽ xảy ra tình trạng giảm ùn tắc ở nút này lại phát sinh tại nút khác” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đang triển khai đấu thầu và dự kiến khởi công đúng dịp Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 hai dự án: Hầm chui qua nút giao đường Vành đai 2,5 - Giải Phóng; dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án đường sắt đô thị số 3. Dự kiến, khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai trong tháng 11. Dự kiến, hoàn thành thông xe vào dịp 10/10 đối với dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3.