Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Trồng cây gì, trên phố nào phải đảm bảo tiêu chuẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Từ trước đến nay, chỉ vào mùa mưa bão hoặc cây gãy đổ thì mới được cắt tỉa. Từ nay, cây xanh trên địa bàn thành phố sẽ được cắt tỉa thường xuyên hàng năm. Ngoài việc cắt tỉa, Hà Nội cũng sẽ trồng mới hệ thống cây xanh”

Đó là nhiệm vụ quan trọng trong Năm trật tự văn minh đô thị 2016 được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh trong Hội nghị giao ban quý I-2016 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã ngày 6/4.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã nêu ra hàng loạt nhiệm vụ quan trọng trong Năm trật tự văn minh đô thị 2016 mà thành phố đang triển khai. Trong đó, có việc cắt tỉa, hạ độ cao toàn bộ hệ thống cây xanh của Thành phố. 

Theo ông Nguyễn Đức Chung việc cắt tỉa, trồng mới hệ thống cây xanh nhằm đảm bảo 3 mục tiêu. Trong đó mục tiêu đầu tiên phấn đấu để cây xanh trở thành một bộ phận để trang trí cảnh quan đô thị.

Việc thường xuyên cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh trên địa bàn Hà Nội cũng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cây đổ, cành khô gãy rơi xuống gây mất an toàn trong mùa mưa bão.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết như vậy tại hội nghị giao ban quý I-2016
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát  tại hội nghị giao ban quý I-2016. Ảnh: Phạm Hùng
Được biết, Hà Nội đã trang bị hệ thống bảo hộ lao động, cưa cũng như cần cẩu, đảm bảo không để công nhân bị tai nạn trong quá trình cắt tỉa cây xanh. Trước đây, mỗi năm có từ 3 - 5 công nhân công ty cây xanh bị ngã trong quá trình cắt tỉa cây.

“Chúng ta cũng tiết giảm được tiền chi phí cắt tỉa cây xanh. Từ trước đến nay, chi phí cắt tỉa một cây xanh dao động từ 2,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng, hiện nay giảm xuống từ 700.000 đồng đến 900.000 đồng khi cắt tỉa một cây xanh”, Chủ tịch UBND TP cho biết. 

Hiện nay, một số quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã lập dự án cải tạo, trồng mới cây xanh. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu, toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn phải được Ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội duyệt thì các quận huyện mới được trồng.

Ông Nguyễn Đức Chung phân tích thêm, trồng cây gì, trên phố nào phải đảm bảo tiêu chuẩn. Cây mới trồng trên các tuyến phố phải đảm bảo tương đương 70%- 80% so với cây hiện tại. Yêu cầu này để đảm bảo tính đồng bộ, tránh tình trạng những tuyến phố có cây xanh to nhưng sau đó trồng những cây quá nhỏ không lên được.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn cho biết, thành phố kết hợp trồng cây xanh với cây hoa. Hiện, TP đang chọn một số cây hoa như lộc vừng, hoa ban để trồng trên các tuyến phố.

Chủ tịch cũng nêu hàng loạt nhiệm vụ quan trọng khác như chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống chiếu sáng, tiến tới thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng của TP Hà Nội. Hiện nay thành phố phải chi phí 240 – 260 tỷ đồng tiền điện chiếu sáng công cộng. Nếu thay thế hệ thống chiếu sáng trong khoảng 5 năm sẽ tiết giảm được một nửa tiền chiếu sáng công cộng xuống còn 90-120 tỷ đồng. Có thể chiếu sáng được hệ thống điện nông thôn, với điều kiện thay thế bằng hệ thống đèn led. 

“Việc này, Thường trực Thành ủy chỉ đạo, đối với tất cả các tuyến đường mới phát triển ở nông thôn và đô thị đều phải sử dụng công nghệ đèn led, ánh sáng màu vàng. Với việc thay thế duy tu, cũng chuyển sang công nghệ đèn led”, ông Nguyễn Đức Chung cho hay.

Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư xã hội hóa muốn thay hệ thống đèn led, người ta lấy tiền dần sau 3-4 năm bằng tiền điện hàng năm, thành phố không đầu tư. Năm nay, thành phố cắt giảm toàn bộ tiền duy tu giao cho công ty chiếu sáng đô thị cũng như quận huyện. 

Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội tiến tới hạ ngầm toàn bộ cáp thông tin và đường điện. Chấn chỉnh lại việc thu gom vận chuyển rác thải, tiến tới cơ giới hóa hút rác, hút bụi, đặt thùng rác nơi công cộng; triển khai công nhân đi nhặt rác ở các tuyến đường. Đối với việc cải tạo lại mặt tiền, TP đang giao Sở Quy hoạch kiến trúc thiết kế lại mặt tiền xung quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm sau đó nhân rộng. 

Sau những công việc trên, Hà Nội sẽ xây dựng quy chế và nguyên tắc, tuyên truyền vận động người dân thực hiện việc đổ rác đúng giờ, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh; sắp xếp lại các biển hiệu quảng cáo...

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ 1/4/2016, toàn thành phố sẽ không cấp thêm bất cứ một lốt xe taxi nào, tạm thời khoanh số lượng hiện nay, đồng thời phải rà soát theo hướng quy hoạch lại, giảm số lượng đầu taxi. Xe điện, xe xích lô cũng tạm thời khoanh lại, không cấp mới, chờ quy hoạch, tránh tình trạng quá tải. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần