Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Chuẩn bị kịch bản tốt nhất và xấu nhất của dịch để chủ động đối phó

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.

Xây dựng các kịch bản xấu nhất xảy ra, có phương án dự phòng
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trên thế giới hiện nay có rất nhiều các nhà khoa học, dịch tễ học đánh giá hậu quả của dịch Covid -19. Chủ tịch cũng thông tin về nghiên cứu, đánh giá do một số chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia cộng tác với Hà Nội trong suốt thời gian qua.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận phiên họp

Theo đó, từ các đại dịch từ thế kỷ 19 đến nay, trong 4 cách phòng chống dịch thì hiệu quả nhất là thực hiện nghiêm túc cách ly ít nhất từ 1 đến 2 tuần sau khi có ca nhiễm cuối cùng được phát hiện. Sau đó mở lại các hoạt động kinh doanh từ từ cùng với việc theo dõi tất cả các trường hợp có triệu chứng, xét nghiệm, kiểm tra và cách ly.

Dự báo hậu Covid -19, thế giới sẽ một bước ngoặt quan trọng, có tác động tốt và cả tác động xấu, buộc con người phải thích nghi. Covid -19 là một thảm hoạ y tế cộng đồng quy mô, phạm vi lớn nhất thế giới trong suốt chiều dài lịch sử. Lần đầu tiên trên thế giới có một cuộc chiến, trong đó tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất trở thành vô dụng.

Chủ tịch UBND TP cũng cảnh báo hiện tượng tái nhiễm tại Vũ Hán, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhiều khả năng Virus này có khả năng ẩn náu trong con người. Từ đó, chúng ta cần xây dựng các kịch bản xấu nhất xảy ra, có phương án dự phòng.

"Chúng ta không lạc quan vội, cần tiếp tục công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và những điều kiện để đối phó và ứng phó nhanh nhất với dịch bệnh này"- Chủ tịch UBND TP lưu ý.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra 3 kịch bản của dịch bệnh. Kịch bản 1, đại dịch sẽ kéo dài thêm khoảng ba tháng và được khống chế và kiểm soát trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Đây là kịch bản tốt nhất đối với mọi quốc gia và cả thế giới, dù ít nhiều bị ảnh hưởng sau đó các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Các trường học và công sở sẽ mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh buôn bán, giao thông, du lịch, khách sạn, nhà hàng dần khôi phục. Theo kịch bản này, đa phần các nước bị ảnh hưởng và thiệt hại sẽ sớm được khắc phục.

Kịch bản thứ 2, dịch bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm, cho đến khi con người chế tạo được một loại thuốc đặc trị để điều trị hiệu quả các bệnh nhân nhiễm Covid -19. Lúc này, Covid -19 xem như một loại cúm mùa, không loại trừ được hoàn toàn nhưng có thể sống chung với nó. Hầu hết các quốc gia và kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy thoái, con người sống trong điều kiện khắc khổ, trong khi vẫn phải dành nguồn lực đáng kể trong phòng chống dịch bệnh.

Kịch bản thứ 3, Covid - 19 tiếp tục lây lan với tốc độ khủng khiếp như hiện nay trong một thời gian dài, bất chấp các biện pháp nhiều nước đang áp dụng; số ca nhiễm, số người chết vẫn duy trì đều đặn ở mức cao. Theo kịch bản này, số người chết có thể tăng lên 1.000.000 người, hàng chục triệu người có khả năng bị nhiễm khiến hệ thống y tế công cộng, hệ thống phòng dịch bị thất thủ. Các hậu quả đối với kinh tế thế giới vô cùng bi đát, phát triển của thế giới có thể bị kéo lùi lại hàng thập kỷ; đi kèm theo đó là nghèo đói, bệnh tật, bạo lực hoành hành.

Chủ tịch UBND TP nêu rõ: "Trong khi chúng ta hy vọng điều tốt đẹp nhất thì chúng ta cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".

Chủ tịch UBND TP nhắc lại, trong vòng 36 tiếng qua, chưa phát hiện ca nhiễm mới ở Hà Nội. Đến nay, Hà Nội cơ bản những người điều tra xác minh làm rõ liên quan đến Bạch Mai và Mê Linh đều đã xét nghiệm với tỷ lệ mắc bệnh 0,88% (Mỹ là 0,99%, Đức 1,8%, Nga 1,04%, Hàn Quốc 1,05%, Singapore 0,8%). “Một trong những nguyên nhân tạo hiệu quả chống dịch là do chúng ta thực hiện tốt công tác xét nghiệm”.

Chủ tịch UBND TP nêu công tác rà soát phát hiện là khâu quan trọng số 1. Hiện nay, TP cơ bản khống chế được trường hợp tiếp xúc F1 đến F2. Chính quyền phải yêu cầu hệ thống ở cửa hàng dược có hướng dẫn các trường hợp mua thuốc cảm sốt đều phải khai báo y tế và được xét nghiệm miễn phí. “Thông qua kênh này, chúng ta có thể phát hiện kịp thời các ca nhiễm” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Nêu công tác xét nghiệm là công tác tối quan trọng, Chủ tịch UBND TP đồng ý xét nghiệm nốt thôn Đông Cứu (huyện Thường Tín). Sở Y tế và CDC tổ chức xét nghiệm xác suất tại các chợ đầu mối như chợ Ngã Tư Sở, Long Biên, chợ đầu mối hoa quả Hoàng Mai, chợ đầu mối hải sản, chợ Hà Vĩ (Thường Tín)… Chủ tịch UBND TP yêu cầu công việc này phải xong trong ngày Chủ nhật. “Kết quả xét nghiệm này sẽ là một nguồn tài liệu quan trọng để đánh giá tốc độ lây nhiễm trên địa bàn TP rất tốt” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.

Sở Y tế và CDC phải tập huấn cho y tá, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000 – 6.000 mẫu tại chỗ; tập huấn cho cán bộ y tế hiểu biết về Covid – 19 và phác đồ điều trị vì phải ứng phó lâu dài; tập huấn kỹ thuật viên ở các phường xã về phun khử khuẩn.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội CDC, bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê về trang thiết bị y tế đã mua trong giai đoạn 1 và có kho cất trữ. “Các bệnh viện, các trung tâm y tế quận huyện tuyệt đối không được dùng các trang thiết bị y tế này để khám chữa bệnh thông thường, chỉ dùng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta phải dự trữ cho chiến lược lâu dài” – Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý.

Sau dịch Covid-19, có thể tất cả các lý thuyết về kinh tế đều đảo lộn, thay đổi. Cho nên, Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trước mắt, các quận huyện phải lên phương án nối lại hoạt động sản xuất, đảm bảo năng suất của vụ xuân hè và tăng cường chăn nuôi; chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai.

Giao sở GD&ĐT, nghiên cứu mở rộng học trực tuyến, làm việc với Bộ để công nhận kết quả bằng hình thức học trực tuyến; có phương án kỹ càng cho học sinh quay trở lại trường học; tổ chức tốt các kỳ thì theo hướng giảm môn thi, giảm số lượng bài thi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thi.

Chủ tịch UBND TP đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục tuyên truyền để người dân tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng, công tác phòng dịch và những công việc bắt buộc phải làm. Kể cả thời gian tới khi hết cách ly thì người dân vẫn phải đeo khẩu trang, phải trở thành một thói quen và việc làm bắt buộc trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, tăng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán bằng thẻ; hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Chủ tịch UBND TP cũng khuyên mọi người không nên bắt tay nhau, rửa tay và thường xuyên vệ sinh cửa ra vào ở tất cả mọi nơi. Đáng chú ý, phải hạn chế chia sẻ đồ ăn.

Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm túc để làm gương

Ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid -19, Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định trong mua sắm vật tư phòng dịch. Trong đó, giao Sở Y tế mua sắm tập trung và không được phân cấp ngân sách về phòng y tế các quận, huyện cũng như các bệnh viện. 

  Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo

Trong quá trình chỉ đạo, Ban Chỉ đạo đã rất sát sao trong công tác phòng chống dịch. Sở Y tế được giao toàn quyền trong việc mua sắm, TP thường xuyên đôn đốc đảm bảo số lượng, chất lượng và chỉ đạo Công an TP, Sở Công thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá.

Tuy nhiên, có những dấu hiện tăng giá vẫn diễn ra, không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm, của CDC Hà Nội. Chủ tịch UBND TP cũng công bố, công khai, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đang gọi 1 số cán bộ của CDC Hà Nội trong việc mua sắm máy xét nghiệm, có liên quan cả đến các tỉnh thành khác.

“Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm; không nương nhẹ với trường hợp nào. Trong dịch bệnh, nếu có các trường hợp tăng giá, sai phạm sẽ là những tình tiết tăng nặng"- Chủ tịch UBND TP nêu quan điểm.

Chủ tịch giao, trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế giao Văn phòng, Sở Y tế báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ về việc này. Sau đó có văn bản kiến nghị với cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận, nếu có sai phạm xử lý nghiêm túc để làm gương.

Trước đó, tại các phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP giao cho Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường, Công an TP tăng cường công tác kiểm tra các cửa hàng bán trang thiết bị y tế để kiểm soát không tăng giá. Sở Y tế và các quận huyện chủ động rà soát việc mua sắm trang thiết bị y tế, không để thất thoát. “Nếu để xảy ra trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này là có tội với dân, thậm chí mang tiếng với cộng đồng quốc tế” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và yêu cầu các quận huyện phải mời HĐND, Mặt trận tổ quốc giám sát các quy trình này.