Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Có thể tạo ra những "vương quốc khởi nghiệp" hàng đầu ở ASEAN

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/10, tại Diễn đàn "Khởi nghiệp ASEAN 2020: Khởi nghiệp trong thời đại số” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: “Trong lịch sử ASEAN đã có những "con hổ" kinh tế mới. Ở thế kỷ này, chúng ta có thể tạo ra những "vương quốc khởi nghiệp" hàng đầu ASEAN”.

 TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Covid-19 là một “sự thức tỉnh”. Thế giới sau Covid-19 sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua.
“Ở thế giới mới đó, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm phải được thượng tôn. Khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp phải là tâm thế của mọi doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp mới và doanh nghiệp đã, đang hoạt đông. Theo đó, mãi mãi là khởi nghiệp để chúng ta có thế giới trường tồn, đồng thời, liêm chính phải được đăt vào trái tim mỗi doanh nhân, muốn kinh doanh có hiệu quả phải để sáng tạo trong bộ não của mình, và phải đặt minh bạch trong yêu cầu đầu tiên của mỗi doanh nghiệp” - TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ. 
Nhắc lại sự kiện khi Thủ tướng Anh sang thăm Việt Nam, VCCI đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức một sự kiện có “một không hai”, một diễn đàn tập trung bàn về liêm chính trong kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho rằng, liêm chính trong kinh doanh là nền tảng, là ngôn ngữ trong kinh doanh, do đó, diễn đàn đã để lại dấu ấn rất quan trọng trong cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định được liêm chính nằm trong “trái tim” của hoạt động kinh doanh. 
Nhiều năm qua, VCCI đã có nhiều hoạt động thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam. VCCI đã trình Chính phủ Chương trình liêm chính trong kinh doanh và hiện đang được triển khai rộng rãi.
Tiếp bước đó, VCCI và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức diễn đàn khởi nghiệp ASEAN.
“Chúng tôi đề xuất tổ chức Diễn đàn này thường niên, hướng tới hình thành mạng lưới khởi nghiệp ASEAN, hướng tới khát vọng xây dựng ASEAN trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của châu Á và thế giới” - Chủ tịch VCCI cho biết.
 Các đại biểu tại Diễn đàn

Theo đó, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, chúng ta đã có nhiều thực tiễn, kinh nghiệm tốt trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước ASEAN riêng lẻ. Bây giờ là lúc chúng ta phải ngồi lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, lan toả, tích hợp và nhân lên tạo hệ sinh thái khởi nghiệp của ASEAN, một thương hiệu ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo.
“Trong lịch sử của ASEAN đã có những con hổ kinh tế mới, vậy tại sao trong thế kỷ này, chúng ta không tạo ra những vương quốc khởi nghiệp hàng đầu ở ASEAN” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, đồng thời mong muốn có sự chung tay của các quốc gia ASEAN trong nỗ lực này.
Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN đầu tiên năm 2020 sẽ mang thông điệp “Startup ASEAN” - ASEAN đứng lên, ASEAN khởi nghiệp. Theo TS Vũ Tiến Lộc, Diễn đàn sẽ chia sẻ về phát triển minh bạch và bền vững, chia sẻ các thực tiễn tốt, đồng thời chia sẻ các nền tảng chuyển đổi số.
Trong đó, chuyển đổi số không phải là việc của riêng các doanh nghiệp lớn, không phải việc “trên mây”, chuyển đối số là việc của tất cả các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ là chủ nhân của kỷ nguyên số chứ không chỉ là các doanh nghiệp lớn.
“Với kỹ thuật số và nền tảng công nghệ, thế giới đang nhỏ lại, các doanh nghiệp nhỏ sẽ trở lớn lên và đương đầu với những người khổng lồ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao giờ cũng là xương sống với mọi nền kinh tế. Vì vậy, làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thực hiện chuyển đổi số, có thể lớn lên, đó là trách nhiệm của chúng ta” - Chủ tịch VCCI khẳng định. 
TS Vũ Tiến Lộc cũng chia sẻ, các doanh nghiệp lớn có thể tự tiếp cận nền tảng số, còn các doanh nghiệp nhỏ rất cần nền tảng hỗ trợ như của VCCI, của các tổ chức quốc tế để tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số. Đây cũng là cách để chúng ta thực hiện yêu cầu phát triển nền kinh tế bền vững.