Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Phong trào khởi nghiệp vẫn sôi nổi ngay trong bối cảnh đại dịch

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại Festival Khởi nghiệp 2021 vào chiều 8/1, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc đánh giá, chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng đã có những bước tiến vượt bậc trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Sôi nổi phong trào khởi nghiệp
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Covid-19 đã có sự an ủi cho nhân loại, đó chính là việc ngộ ra về sự mong manh của các đế chế kinh tế thương mại trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Đó là việc ngộ ra yêu cầu phát triển bền vững nhân văn phải song hành với đổi mới về công nghệ trong nền kinh tế. Đó là ngộ ra chìa khóa cho sự phát triển bền vững trên cuộc đời là chung tay của tất cả mọi người.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia tạo ra kỳ tích trong năm 2020, đặc biệt là đã đạt được "mục tiêu kép" kiềm chế dịch bệnh và đạt mục tiêu tăng trưởng. Việt Nam là một trong những nền kinh tế ít ỏi trở thành niềm an ủi đối với toàn nhân loại về sức mạnh của một hệ thống chính trị xã hội có khả năng chống chọi vượt qua đại dịch. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt ở mức 3% trong khi cả thế giới chìm sâu trong khủng hoảng -4%. 
Phong trào khởi nghiệp vẫn rất sôi nổi ngay trong bối cảnh của đại dịch, cả năm chúng ta vẫn có trên 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập.
Cụ thể, theo Báo cáo Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2020 của StartupBlink, ở khu vực Đông Nam Á, cả Indonesia và Thái Lan giảm lần lượt 13 và 17 hạng xuống vị trí thứ 54 và 50. Trong khi đó, Việt Nam tăng 13 bậc lên vị trí thứ 59, vị trí cao nhất Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này. Nếu tính theo từng TP, Thủ đô Hà Nội vào top 200 trung tâm khởi nghiệp trên toàn cầu sau khi nhảy 33 bậc lên hạng 196 (tổng 1,261 điểm), TP Hồ Chí Minh đứng thứ 225 (tổng 0,995 điểm), TP này thậm chí chưa có tên trong danh sách năm trước.
 Các đại biểu dự Festival Khởi nghiệp 2021.

Năm nay, Việt Nam là chủ nhà của ASEAN, VCCI chủ trì các hoạt động của doanh nghiệp Đông Á và ASEAN. Trong bối cảnh khó khăn, VCCI đã vượt lên thực hiện được vai trò kiến tạo và dẫn dắt trong cộng đồng doanh nghiệp Đông Á và ASEAN.
Theo đó, các sự kiện cho cộng đồng doanh nghiệp do VCCI tổ chức đã thành công nhất trong lịch sử của ASEAN và Đông Á. Trong khuôn khổ các hoạt động đỉnh cao của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã đề xuất và thành công tạo lập Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN, tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN thường niên, tổ chức giải thưởng ghi nhận và tôn vinh các ngôisao số trong ASEAN… Với những nỗ lực này, VCCI đã dẫn dắt trong việc tạo lập nền tảng cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong chuyển đổi số trong ASEAN.
Không ngừng đổi mới sáng tạo
Chủ tịch VCCI TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, trong năm 2020, VCCI đã khởi động dự án chuyển đổi số hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, cũng như hỗ trợ thúc đẩy thị trường cho các doanh nghiệp số Việt Nam.
Tổ chức này tiếp tục được khẳng định là đơn vị đi đầu trong việc sáng tạo triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp qua việc đưa nội dung kinh doanh liêm chính vào giảng dạy cho các startup, giảng viên với mong muốn tạo sự lan tỏa trong cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư thực hiện liêm chính trong kinh doanh, vượt qua các rào cản, rủi ro từ tham những, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.
Năm 2020 cũng đánh dấu sự ra đời của Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia gồm 16 thành viên chính nhằm quy tụ được đội ngũ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam. Hội đồng ra đời góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cũng như của Chính phủ.
 Các đại biểu dự Festival Khởi nghiệp 2021.
Các chương trình khởi nghiệp của VCCI và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tạo thế liên kết rộng khắp với mạng lưới khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp trên 30 tỉnh, TP với 150 trường đại học và cao đẳng tham gia vào mạng lưới kết nối khởi nghiệp của VCCI.
"VCCI đang cố gắng kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp và hệ sinh thái của chúng ta với mạng lưới cố vấn và hệ sinh thái của khu vực ASEAN và toàn cầu để nối vòng tay trong việc thúc đẩy và làm bệ đỡ cho phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam" - Chủ tịch VCCI TS Vũ Tiến Lộc nói, đồng thời bày tỏ niềm vui khi cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2020 tiếp tục thu hút được sự tham gia đông đảo của các trường đại học và các tỉnh, thành, được tuyển chọn từ các cuộc thi trên cả nước đã gửi về Ban tổ chức để tham dự vòng chung kết toàn quốc.
Hình thức tổ chức Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2020 đã thay đổi hoàn toàn, không phải trực tiếp mà là trực tuyến. Sở dĩ có sự thay đổi khác biệt như vậy là vì chúng tôi muốn cho các bạn có cơ hội tiếp cận với format của Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu - Entrepreneurship World Cup. Đây cũng là bước tập duyệt, chuẩn bị cho các startup tham gia ở sân chơi quốc tế.
"Nhìn vào kết quả của Cuộc thi Khởi nghiệp 2020, chúng ta cũng vui mừng khi thấy các dự án khởi nghiệp năm nay đã hướng vào giải quyết những nỗi đau của xã hội liên quan đến môi trường, bảo vệ sức khỏe, công nghệ chuyển đổi số, công nghệ cao trong nông nghiệp" - Chủ tịch VCCI nói.
Năm 2021, VCCI đã có sáng kiến phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc xây dựng trung tâm quốc tế về mô hình kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Chúng tôi đề nghị xây dựng trung tâm này ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là sáng kiến rất quan trọng của Việt Nam, đóng góp vào lĩnh vực xây dựng mô hình bền vững của thế giới.
"Tôi mong rằng cuộc thi năm nay của chúng ta sẽ hướng vào kiến nghị, đưa ra các sáng kiến mô hình kinh doanh bền vững. VCCI sẽ hỗ trợ cộng đồng phát triển các dự án với mục đích xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu" - TS Vũ Tiến Lộc cho hay.
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đến nay tròn 18 năm. Trong suốt quá trình đó, VCCI đã chủ trì với sự thực hiện cụ thể của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, tập hợp được 5.500 các dự án khởi nghiệp từ học sinh – sinh viên. Nhiều dự án đã đi vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp.