70 năm giải phóng Thủ đô

Chú trọng áp dụng công nghệ để không thể can thiệp việc đánh giá chất lượng cán bộ

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Hội thảo khoa học “Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức” hôm nay, 5/7, các đại biểu đề nghị tăng cường áp dụng công nghệ để con người không thể can vào việc đánh giá; xây dựng ngân hàng đề thi, chấm thi bằng công nghệ...

Hôm nay, 5/7, Viện Khoa học tổ chức nhà nước và Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) - Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC”, nhằm nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC phục vụ việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. 

Đối tượng đánh giá “na ná” nhau

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Ngọc Vân (Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước) nhấn mạnh, đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCBVC là công việc quan trọng nhằm cung cấp thông tin về mức độ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của CBCCVC sau khi được bồi dưỡng. Bộ công cụ để thực hiện việc này đã được Bộ Nội vụ xây dựng, hướng dẫn thực hiện. Trong đó, cung cấp nhiều thông tin khách quan cho các cơ quan quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, bộ công cụ đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sớm sửa đổi, khắc phục.

“Đo lường, đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC là một việc rất khó, bởi chất lượng bồi dưỡng này phụ thuộc các yếu tố đầu vào, quá trình bồi dưỡng và được thể hiện ở kiến thức, kỹ năng, thái độ, đạo đức nghề nghiệp của CBCCVC sau quá trình bồi dưỡng ” - TS. Nguyễn Ngọc Vân nhận định. 

Thảo luận tại đây, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề trọng tâm như: Các vấn đề lý luận về đánh giá chất lượng bồi dưỡng và công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC; tiếp tục làm rõ về thực trạng quy định pháp luật về đánh giá chất lượng bồi dưỡng và sử dụng công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC hiện nay; từ kinh nghiệm đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nói chung tìm ra những mối liên hệ, gợi mở cho việc đánh giá và xây dựng công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC...

Quang cảnh Hội thảo khoa học ''Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức''
Quang cảnh Hội thảo khoa học ''Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức''

Nói về thực trạng pháp luật đánh giá chất lượng bồi dưỡng, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chuyên viên cao cấp, Vụ Đào tạo Bồi dưỡng CBCCVC cho rằng, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, các đối tượng đánh giá (chương trình, học viên, giảng viên, cơ sở vật chất, chất lượng khóa bồi dưỡng và hiệu quả sau bồi dưỡng) có nội dung “na ná” nhau, gây tâm lý nặng nề, nhàm chán, miễn cưỡng khi tổ chức đánh giá. Các tiêu chí, khá phức tạp, rườm rà, không thật sự cần thiết hoặc khó đánh giá, khó trả lời, gây rối, nhầm lẫn cho đối tượng trả lời. Trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành, địa phương thì chưa thường xuyên; thông tin kết quả đánh giá chưa phản ánh khách quan, đầy đủ, kịp thời về chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng CBCCVC…

Do đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất có thay đổi đối tượng, phạm vi, mục tiêu, công cụ đánh giá, với các giải pháp như: Mở rộng quyền tham gia giảng dạy của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu (nhà nước và tư nhân) đối với các nội dung về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm dành cho CBCCVC; trao quyền cho CBCCVC trong lựa chọn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín, chất lượng cung cấp các khóa, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm của mình; công tác cán bộ hay công tác quản lý CBCCVC chuyển dứt khoát từ mô hình chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm…

Đề xuất hoàn thiện bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC, TS. Hà Quang Trường, Viện Khoa học tổ chức nhà nước cho rằng, cần sửa đổi hệ thống nội dung, tiêu chí, chỉ báo theo hướng giảm bớt các tiêu chí, chỉ báo không cần thiết phục vụ đánh giá cơ bản cho các khóa bồi dưỡng; bổ sung hệ thống tiêu chí đánh giá bồi dưỡng trực tuyến. Đồng thời, xây dựng 3 mẫu phiếu đánh giá cơ bản, gồm phiếu đánh giá chất lượng bồi dưỡng dành cho học viên, phiếu đánh giá chất lượng bồi dưỡng dành cho giảng viên, phiếu đánh giá hiệu quả sau bồi dưỡng dành cho cựu học viên, đồng nghiệp của cựu học viên, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng CBCCVC; thang đo và mức độ đánh giá…

Xây dựng bộ công cụ đánh giá linh hoạt, dễ thực hiện

Đáng chú ý, TS. Nguyễn Hải Thập, nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho rằng, nên quan tâm đến chương trình bồi dưỡng phù hợp với chức danh vị trí việc làm, mỗi chuyên đề sẽ hình thành năng lực nào đó trong chức danh nghề nghiệp, do đó cần có hướng dẫn chi tiết về đánh giá chương trình bồi dưỡng. Về đội ngũ giảng viên, bên cạnh trình độ đào tạo, cần phải đánh giá tiêu chí về năng lực giảng viên.

Về kết quả bồi dưỡng, “cần tham khảo cách đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ GD&ĐT, áp dụng công nghệ để con người không thể can vào việc đánh giá; xây dựng ngân hàng đề thi, chấm thi bằng công nghệ, đây là mới là cái quan trọng nhất để đánh giá kết quả bồi dưỡng”, TS. Nguyễn Hải Thập nhấn mạnh. Đại biểu này cũng đề xuất Bộ Nội vụ có bộ phận chuyên trách kiểm định chất lượng bồi dưỡng, các Sở Nội vụ có bộ phận chuyên trách; đồng thời hình thành mạng lưới kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng một cách khách quan. Cùng đó, có chế tài cụ thể, nếu kiểm định đạt chất lượng thì để tồn tại cơ sở bồi dưỡng, nếu không đạt thì xóa bỏ.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Đại biểu tham luận tại Hội thảo

TS. Tạ Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tình với đề xuất thành lập/giao nhiệm vụ cho một tổ chức chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC, để kết quả đánh giá đảm bảo độ giá trị, độ tin cậy; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đánh giá để đảm bảo có thông tin thường trực giúp việc tư vấn chính sách, phát triển các chương trình bồi dưỡng. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học đo lường trong hoạt động đánh giá để nâng cao chất lượng; có thể sử dụng nhiều phương pháp đánh giá khác nhau như đánh giá định kỳ, khảo sát ý kiến chuyên gia, các bên liên quan…

Kết luận Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng ụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC đánh giá các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc và tiếp thu các đề xuất để các đơn vị nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 10/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Các ý kiến đều thống nhất xây dựng bộ công cụ đảm bảo các tiêu chí đơn giản, linh hoạt, dễ thực hiện; tập trung đánh giá các cấp độ khác nhau, đối tượng đánh giá; xây dựng phần mềm đánh giá.

TS. Lại Đức Vượng mong muốn thời gian tới, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Thông tư và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng CBCCVC.