Tháng hành động vì môi trường 2023

Chú trọng chống ô nhiễm rác thải nhựa

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) mới đây đã phát đi lời kêu gọi các bộ, ngành và các địa phương tổ chức các hoạt động làm sạch môi trường, chống rác thải nhựa, xử lý rác thải nhựa ven biển nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm 2023.

Giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh: Văn Dinh
Giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh: Văn Dinh

Hưởng ứng lời kêu gọi, Hà Nội cũng đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động vì môi trường, trong đó đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể và các quận, huyện, thị xã huy động nỗ lực của cộng đồng cùng chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm thiểu việc sử dụng túi nilon và tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa, ...

Truyền tải thông điệp sống xanh

Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions To Plastic Pollution).

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế để chỉ sử dụng một lần; trong số đó, ít hơn 10 phần trăm được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm.

Microplastic là các hạt nhựa nhỏ có đường kính lên tới 5mm đi vào thức ăn, nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh này tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm và còn nhiều hơn nữa nếu bị hít phải. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt gây hại cho sức khỏe con người và đa dạng sinh học, đồng thời gây ô nhiễm mọi hệ sinh thái.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 - 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển nhưng chỉ khoảng 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, DN; trong đó tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội, số lượng rác thải nhựa đưa ra môi trường lên đến 80 tấn/ngày.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.

Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 đã chính thức được áp dụng, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Hoàn thiện chính sách, nhân rộng các mô hình tái chế rác thải nhựa

 

Từ cuối tháng 5 đến kết thúc tháng 6/2023, Bộ TN&MT sẽ đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như: mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực như thành lập liên minh nói không với túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích thiết kế từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 đạt tính lan tỏa cao.

Tháng hành động vì môi trường năm nay, Bộ TN&MT đã đề nghị các đại phương tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 5/2/2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

Đồng thời, xây dựng ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các DN sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, DN tái chế. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa. Thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.

Thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Đối với các tỉnh, TP cần có ít nhất 1 mô hình cụ thể về “Chống ô nhiễm nhựa” hiệu quả tại địa phương. Ra quân dọn, xử lý rác tại các điểm đen và ô nhiễm rác thải nhựa ở sông, hồ, bờ biển. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, DN có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; nhất là giải pháp, sáng kiến giảm rác thải nhựa;…

Về phía Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, năm nay, cùng với các hoạt động mít tinh hưởng ứng, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp, Sở TN&MT sẽ phối hợp với Hội Nông dân TP, UBND huyện Hoài Đức và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023 và các hoạt động bên lề với thông điệp “Chống ô nhiễm nhựa”.

“Chúng tôi đánh giá cao vai trò của địa phương trong việc tham gia bảo vệ môi trường, từ tổ dân phố, thôn, xóm đến xã, phường, mỗi người dân là một hạt nhân trong phong trào bảo vệ môi trường, trong đó chỉ cần hành động “nói không với việc sử dụng túi nilon” là công cuộc chống ô nhiễm nhựa đã thành công hơn nửa chặng đường”- bà Lưu Thị Thanh Chi chia sẻ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng cho biết thêm, đối với các đơn vị công ích, như Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Nhà nước MTV Công viên cây xanh, Công ty TNHH Nhà nước MTV thoát nước Hà Nội, các đơn vị xã hội hóa vệ sinh môi trường trên địa bàn TP cũng sẽ tổ chức ra quân thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, đặc biệt trên các tuyến phố, trục đường giao thông, các điểm tập kết rác, chăm sóc tốt vườn hoa, cây xanh và trên các sông, hồ.

Tăng cường tưới nước rửa đường, nạo vét kênh, mương, sông, hồ giảm thiểu bụi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023. Trong đó, tăng cường hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện quản lý rác thải đô thị, rác thải nhựa, phế thải xây dựng.