Chú trọng nhân lực phát triển sản phẩm OCOP

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đặc biệt quan tâm.

 Một gian hàng trong điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết
 Một gian hàng trong điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết

Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu Chương trình OCOP năm 2022 trên địa bàn TP.

Căn cứ khung đào tạo Chương trình OCOP ban hành kèm theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai hơn 100 lớp đào tạo, tập huấn về phát triển sản phẩm OCOP. Các nhóm đối tượng được thụ hưởng chương trình nâng cao năng lực chủ yếu là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP các cấp, Hội đồng tư vấn giúp việc; cán bộ, quản lý điều hành Chương trình OCOP thuộc UBND cấp huyện, xã.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, thông qua các lớp tập huấn triển khai Chương trình OCOP, cán bộ quản lý các cấp từ huyện đến cơ sở đã nắm bắt được những nội dung quan trọng về bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; hệ thống tổ chức OCOP và nhân sự; xu hướng phát triển vùng nông thôn, cũng như giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị hàng hóa...

Hàng trăm nhà quản lý tổ chức kinh tế (CEO), hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn TP có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cũng được cung cấp kiến thức thông qua các khóa học online về thương mại điện tử, phát triển, quảng bá và tăng cường tiếp cận thị trường cho sản phẩm OCOP. Đặc biệt là những kiến thức về đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh; xác định các yếu tố ảnh hưởng và giải pháp…

Cùng với các lớp đào tạo, tập huấn, từ đầu năm 2022 đến nay, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội còn phối hợp với Thành đoàn tổ chức 3 hội thảo “Thanh niên khởi nghiệp với Chương trình OCOP”. Tổ chức các đoàn công tác cấp TP đi học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP tại các tỉnh, TP: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh và Sóc Trăng.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua chia sẻ: Thông qua những buổi giao lưu, các chủ thể đã có được nhiều kinh nghiệm nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là hiểu biết thêm các kiến thức về quản trị sản xuất và chất lượng; quản trị phân phối và tiếp thị; quản trị nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Đại diện Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý và chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Tổ chức các đoàn công tác đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2022, sẽ tổ chức thêm 20 lớp phổ biến kiến thức phát triển chương trình OCOP.