Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ trương, trình tự, thủ tục đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống theo đúng quy định pháp luật

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã được Bộ Xây dựng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ định nhà đầu tư tiếp nhận và triển khai thực hiện dự án; UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống (doanh nghiệp thành lập bởi 4 nhà đầu tư trong đó có Nhà đầu tư được chỉ định).... qua các bước triển khai thực hiện cho thấy chủ trương, trình tự, thủ tục đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống theo đúng quy định pháp luật là đúng quy định của pháp luật.

Đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân Thủ đô
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được khởi công xây dựng tháng 3/2017 tại huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đến tháng 10/2018 hợp phần 1 của dự án với công suất 150.000m3/ngđ đã hoàn thành đúng tiến độ, góp phần bổ sung nguồn nước sạch cho hệ thống cấp nước tập trung của thành phố, nâng tổng công suất cấp nước của hệ thống cấp nước tập trung lên trên 1.370.000 m3/ngày đêm.
 Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Internet
Đồng thời, góp phần đáp ứng nhu cầu dùng nước của khu vực đô thị mùa hè 2019 vừa qua và cung cấp nguồn cho các dự án phát triển mạng khu vực nông thôn với phạm vi (khu vực phía Đông Bắc, bao gồm: quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn, các khu đô thị và công nghiệp đường 179; Nhà đầu tư đã thi công hệ thống đường ống đi ngầm qua sông Đuống, sông Hồng để bổ sung nguồn nước cho khu vực phía Nam thành phố Hà Nội bao gồm: quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Thường Tín và vùng phụ cận).
Đây là dự án đầu tiên đường ống dẫn nước được thi công ngầm dưới lòng sông. Đặc biệt, trong sự cố tại Nhà máy nước mặt sông Đà vừa qua, nguồn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống đã phát huy hiệu quả, cung ứng bù kịp thời khi nguồn nước từ nhà máy nước mặt sông Đà bị ngắt do ô nhiễm.
Ngày 5/9/2019, dự án đã hoàn thành hợp phần 2 giai đoạn 1 của Dự án, nâng công suất Nhà máy lên 300.000 m3/ngày đêm. Với tốc độ đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội nhanh như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân Thủ đô đến năm 2020 là khoảng 2.000.000 m3/ngày đêm thì việc hoàn thành hợp phần 2 của dự án nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm có ý nghĩa rất lớn nhằm bổ sung nguồn cấp cho hệ thống cấp nước tập trung của Thành phố lên trên 1.520.000 m3/ngày đêm.
Trình tự thủ tục, quá trình triển khai thực hiện dự án
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã được Bộ Xây dựng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 72/QĐ- BXD ngày 17/01/2013.
Tại Quyết định số 631/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, trong đó dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (thuộc danh mục thứ tự số 39), tổng mức đầu tư dự kiến 300 triệu USD, công suất 300.000m3/ngày/đêm; Đơn vị kêu gọi đầu tư: Cục Hạ tầng - Bộ Xây dựng.
Tại Văn bản số 264/TTg-KTN ngày 28/02/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Xây dựng, giao UBND Thành phố chỉ đạo Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Hà Nội (đơn vị 100% vốn Nhà nước thuộc UBND Thành phố Hà Nội) tiếp nhận và triển khai thực hiện dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/5/2015 UBND Thành phố Hà Nội có văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Hà Nội hợp tác với 3 công ty triển khai thực hiện dự án. Gồm: Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và du lịch, Công ty VIAC (No.l) Limitid Partnership (Singapore); Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ ngân hàng thương mại và cổ phần công thương Việt Nam.
Ngày 09/3/2016, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng có văn bản thông báo, chỉ đạo đồng ý cho 04 Nhà đầu tư trên thành lập doanh nghiệp dự án để triển khai thực hiện dự án. Các Nhà đầu tư đã thành lập Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Gồm: Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Hà Nội; Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và du lịch; Công ty VIAC (No.l) Limitid Partnership (Singapore); Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ ngân hàng thương mại và cổ phân công thương Việt Nam.
Dự án đáp ứng chủ trương, yêu cầu của HĐND Thành phố
Tại Nghị quyết 05/NQ-HĐ ngày 03/8/2016 của HĐND Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 của Thành phố Hà Nội, trong đó quyết nghị: các dự án hệ thống cấp nước sạch, nâng công suất các nhà máy nước sạch, thực hiện xã hội hóa cấp nước sạch bằng công nghệ tiên tiến được xác định là mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ, thực hiện khuyến khích đầu tư.
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được áp dụng công nghệ tiên tiến của Cộng hòa Liên bang Đức; ngoài việc đầu tư nhà máy, Chủ đầu tư còn đầu tư hệ thống truyền dẫn, trạm bơm tăng áp, trạm thu để bán buôn cho các Công ty kinh doanh nước sạch để bán lẻ cho các hộ tiêu thụ, đảm bảo các yêu cầu nêu trên của Nghị quyết.
 Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được áp dụng công nghệ tiên tiến của Cộng hòa Liên bang Đức
Về trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án: Ngày 20/5/2016, Sở Kế hoạch và đầu tư có Báo cáo thẩm định số 606/BC-KH&ĐT báo cáo, đề nghị UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Sau đó, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội đã họp và có Báo cáo số 135-BC/BCS ngày 27/5/2016 báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương đầu tư dự án. Ngày 01/6/2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và có Thông báo số 188/TB/TU ngàỵ 08/6/2016 về chủ trương triển khai dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Để đảm bảo tiến độ cấp nước vào tháng 6/2018, Ban Thường vụ Thành ủy cho phép đưa dự án vào danh mục dự án công trình trọng điểm, cấp bách và xin cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện.
Ngày 03/6/2016, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2869/QĐ-UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án và trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố Hà Nội vào ngày 04/6/2016.
Theo đó, nội dung cụ thể như sau: Chủ đầu tư gồm Liên danh 04 nhà đầu tư: Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Thành phố; Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; Công ty VIAC (No.1) Limitid partnership (Singapore) - doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ ngân hàng thương mại và cổ phần công thương Việt Nam (thuộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt nam - Ngân hàng Nhà nước chiếm cổ phần chi phối).
Mục tiêu dự án nhằm bổ sung nguồn cấp nước cho khu vực phía Đông Bắc thành phố Hà Nội, bao gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, các khu đô thị và công nghiệp trên đường 179; khu vực phía Nam thành phố Hà Nội bao gồm: quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên và vùng phụ cận.
Ngày 30/10/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường có Tờ trình đề nghị UBND Thành phố cho Công ty thuê 38,02289 ha đất tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm để thực hiện dự án; Ngày 6/11/2017, UBND Thành phố có Quyết định số 7753/QĐ-UBND cho Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống thuê 38,02289 ha đất tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm để thực hiện dự án.
Bộ Xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu
Như vậy, qua rà soát bước đầu quá trình triển khai dự án, thực hiện dự án, có thể nhận thấy Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã được Bộ Xây dựng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ định nhà đầu tư tiếp nhận và triển khai thực hiện dự án; UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống (doanh nghiệp thành lập bởi 4 nhà đầu tư trong đó có Nhà đầu tư được chỉ định) là đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, trong các Nhà đầu tư hợp tác đầu tư thực hiện dự án có Nhà đầu tư nước ngoài, phù hợp với danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của Cộng hòa Liên bang Đức, đạt tiêu chuẩn uống của EU uống tại vòi, thuộc loại hiện đại nhất Châu Á, đáp ứng chủ trương, yêu cầu của HĐND Thành phố tại Nghị quyết 05/NQ-HĐND ngày 3/8/2016 của HĐND TP về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 của TP Hà Nội.
Quá trình triển khai thực hiện thủ tụс quyết định chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cùng các Sở, ngành thẩm định theo quy định, tập thể Lãnh đạo UBND Thành phố đã họp thống nhất xem xét và báo cáo Thành ủy; đã được Thành ủy thống nhất về chủ trương đầu tư đảm bảo đúng theo quy chế làm việc của UBND và quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
Dự án xây dựng nhà máy nước sạch và hệ thống tuyền dẫn nước sạch thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất, cho thuê đất, được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 2013. Việc UBND huyện Gia Lâm thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố ban hành Quyết định số 7753/QĐ-UBND ngày 6/11/2017 cho Công ty thuê 38,02289 ha đất tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm để thực hiện dự án là phù hợp quy định tại Điều 62 Luật đất đai 2013;
Hiện dự án đã hoàn thành hợp phần 2 - giai đoạn 1 theo đúng tiến độ, đã phát huy hiệu quả góp phần tích cực vào việc cung ứng nước sạch có chất lượng cao cho nhân dân Thủ đô. Ngày 18/11/2019, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng- Bộ Xây dựng ban hành Thông báo số 213/GĐ-GDD3/HT chấp thuận kết quả nghiệm thu của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống để đưa vào sử dụng đối với các hạng mục công trình; “Xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống- Giai đoạn I” tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu, huyện Gia-Lâm, thành phố Hà Nội.
UBND Thành phố đã giao Thanh tra Thành phố rà soát, kiểm tra quá trình đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống.