KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) là người chủ trì dự án trùng tu Chùa Cầu 30 năm trước (1986). Trở về từ hội thảo về bảo tồn Chùa Cầu tại Hội An (Quảng Nam), KTS Lê Thành Vinh đã có cuộc trao đổi với PV. Ông khẳng định: “Chùa Cầu là kiến trúc đặc biệt vừa phục vụ tín ngưỡng vừa phục vụ giao thông. Hội thảo vừa rồi thống nhất việc phải giải quyết một cách toàn diện triệt để những vấn đề mà chùa Cầu gặp phải. Trong đó, có thể chúng ta sẽ có thể phải hạ giải toàn bộ chùa Cầu". "Tôi biết nhiều người lo lắng khi nghe đến chuyện tháo dỡ Chùa Cầu. Tuy nhiên, nó chỉ là vấn đề kỹ thuật, hoàn toàn có thể xử lý được mà không đánh mất di tích. Cũng như bệnh nhân thôi, mổ xẻ là giải pháp cuối cùng, không ai muốn cả, nhưng bệnh phải thế”, ông nhấn mạnh. Một trận bão có thể phá tan di tích - Với tình trạng hiện nay, nếu không sớm trùng tu thì Chùa Cầu sẽ trụ được trong khoảng thời gian bao lâu? - Chùa Cầu có nguy cơ sụp đổ rất lớn vì đã hỏng từ móng. Đặc biệt, theo khảo sát của Đại học Bách khoa Đà Nẵng, sự ổn định và khả năng chịu lực theo phương ngang của trụ và mố cầu không đảm bảo dẫn tới nguy cơ có thể sập bất cứ lúc nào. Việc này không ai nói trước được. Hơn nữa, không thể ngoại trừ ảnh hưởng của thiên tai, gió bão. Nếu sập vì thiên tai thì vô phương cứu chữa. Một cơn bão hoàn toàn có thể phá tan di tích này. Đây không phải là nói quá, các số liệu kỹ thuật cho thấy như thế.
Chùa Cầu Hội An đã xuống cấp từ móng lên đến mái. |
- Có nghĩa là hiện nay, cấp cứu Chùa Cầu đã trở thành việc cấp bách? - Chùa Cầu đã xuống cấp nặng và cứu chữa là việc rất cấp bách. Theo tôi, phải có phương án xử lý triệt để. Tuy nhiên, cụ thể như thế nào thì phải lập dự án mới có thể tính toán hết được. Hội thảo vừa rồi cũng xác định một cách khá đầy đủ những nguyên nhân gây hại cho di tích. Trong đó, lượng khách qua lại trên cầu lại đang quá tải. Nếu để quá đông người trên cầu, hoàn toàn có thể dẫn đến gãy sập. - Trước đây, Viện Bảo tồn di tích cũng đã từng trùng tu Chùa Cầu. Hiện trạng lúc đó và hiện nay khác nhau như thế nào? - Năm 1986, tôi đã chủ trì cuộc trùng tu Chùa Cầu. Với trình độ cách đây 30 năm, chúng ta đã giải quyết những bước rất cơ bản, nếu không Chùa Cầu đã không còn đến bây giờ. Hồi đó, chúng tôi mới chỉ trùng tu phần khung ở phía trên chứ chưa động đến nền móng bên dưới. Tôi nhớ kinh phí để tu bổ thời đó là khoảng 500.000 đồng, không được hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài và điều kiện tu bổ còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, Chùa Cầu đã thoát khỏi nguy cơ sập đổ và tồn tại ổn định suốt 30 năm qua. Đừng quá lo lắng Nếu đặt ra phương án trùng tu, theo ông, Chùa Cầu sẽ phải tập trung vào những phần nào? - Đối với Chùa Cầu hiện nay thì phải tu bổ từ móng đến mái. Có nghĩa là sẽ phải tháo dỡ toàn bộ di tích này? - Thực ra, không nên quá lo lắng khi nghe đến chuyện hạ giải, nó chỉ là một thao tác kỹ thuật trong trùng tu di tích kiến trúc gỗ thôi. Trong hội thảo vừa qua tại Hội An, người ta có đặt ra chuyện tháo dỡ Chùa Cầu nhưng đây chưa phải là quyết định cuối cùng.
KTS Lê Thành Vinh (người cầm máy ảnh) trong một chuyến khảo sát di tích. Ảnh: Viện Bảo tồn di tích. |
Tôi cho rằng hạ giải toàn bộ hay hạ giải từng phần đều phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích. Có rất nhiều điều phức tạp hơn trong việc trùng tu Chùa Cầu như giải quyết vấn đề kiểm soát lượng người, điều tiết giao thông, chỉnh trang môi trường cảnh quan, làm sạch dòng nước, xử lý nền móng, kè bờ... Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Hội An, có bày tỏ lo lắng việc tháo dỡ toàn bộ sẽ khiến di tích 400 năm tuổi này biến thành 1 ngày tuổi như một số sự việc đáng tiếc đã xảy ra trước đó với di tích? - Ông Nguyên Sự có bày tỏ lo lắng về chuyện đó. Tuy nhiên, kết quả tốt hay xấu phụ thuộc vào trình độ của người làm. Phải phân biệt rạch ròi hai chuyện đó. Chuyện có hạ giải hay không là câu chuyện kỹ thuật, không ai có thể làm khác được nếu điều đó là cần thiết.
Hỏng tới đâu phải sửa tới đó. Tất nhiên, hạ giải sẽ có nguy cơ làm biến đổi nhiều hơn nhưng không có nghĩa là không giải quyết tốt được. Đình Chu Quyến là một ví dụ. Chúng tôi đã hạ giải toàn bộ, mổ xẻ kỹ đến từng chi tiết. Chu Quyến sau trùng tu được đánh giá là một công trình chuẩn mực, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đừng sợ chuyện hạ giải mà không dám làm. Nếu tiếp cận di tích cẩn trọng và khoa học thì kết quả vẫn tốt. Ở Việt Nam, hạ giải công trình để trùng tu kiến trúc gỗ là chuyện bình thường. Chúng ta không cổ suý cho việc đó nhưng nếu cần thiết thì vẫn phải làm. Thế giới cũng thế thôi, ở Nhật họ cũng làm như vậy. Khi cần thiết là hạ giải, hạ giải cũng là một cơ hội để cân chỉnh lại cho ổn định và chuẩn mực.