Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa chặn được bong bóng tín dụng ngầm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi kinh tế Nhật Bản đang dần thoát khỏi tình trạng giảm phát nhờ triển khai chính sách kinh tế Abenomics thì kinh tế Trung Quốc bắt đầu chịu tác động của học thuyết Likonomics, còn gọi là Lee-conomics của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Tương tự như 3 "mũi tên" của Abenomics, chiến lược của ông Lý Khắc Cường cũng gồm có 3 phần là: Không kích thích kinh tế, giảm bớt nợ, tái cấu trúc. Chỉ có điều, chưa đầy 4 tháng sau khi áp dụng, Likonomics đã gây ra những tổn thương nhất định cho kinh tế Trung Quốc. Với mục tiêu giảm bớt nợ xấu, tín dụng tăng trưởng nóng… Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBOC) đã quyết định thắt chặt tiền tệ. Từ giữa tháng 6, thị trường tài chính Trung Quốc đã bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản trầm trọng khi PBOC liên tục từ chối bơm tiền. Nhiều ngân hàng thương mại và ngay cả những “anh cả” trong làng ngân hàng Trung Quốc đã phải tạm dừng hoạt động cho vay vì khan tiền mặt. Hậu quả tất yếu là thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư và người gửi tiền thông thường đổ nhiều tiền cho các “sản phẩm quản lý tài sản” (WMP) để hưởng lãi suất cao hơn.

Theo số liệu thống kê của Công ty Kiểm toán Benefit Wealth tại Thành Đô (Trung Quốc), trong 2 tuần trở lại đây, các ngân hàng Trung Quốc ngầm bán ra 1.137 WMP. Ngân hàng Minsheng tuần trước bán ra sản phẩm WMP kỳ hạn 35 ngày với lãi suất lên tới 7%. Tổng giá trị WMP tăng 500 tỷ Nhân dân tệ (82 tỷ USD) lên 13.000 tỷ Nhân dân tệ trong 5 tháng đầu năm nay, tương đương 16% GDP Trung Quốc. Những con số trên cho thấy, chính sách ngăn chặn hoạt động cho vay ngầm gây bong bóng tín dụng của Likonomics về cơ bản đã không phát huy được tác dụng. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn đang tiêu tiền vung tay quá trán nhưng các khoản vay thêm của doanh nghiệp và cá nhân không phát huy hiệu quả trong dài hạn, 3 mũi tên của Likonomics sẽ gây ra những rủi ro nhất định cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.