Chưa có chính sách rõ ràng trong quản lý chung cư tái định cư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/8, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đã làm việc với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội về quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư tái định cư (TĐC) trên địa bàn TP.

Những khó khăn, tồn tại trong việc quản lý, bảo trì nhà tiếp tục được đưa ra.

“Lỗ chỗ” căn hộ trống

Đến nay, Công ty đã tiếp nhận quản lý 166 tòa nhà TĐC tại 36 khu trên địa bàn, với 13.971 căn hộ. Trong đó, 12.043 căn đã giao cho dân sử dụng, còn lại 1.303 căn hộ chưa có người đến ở, nhiều căn đã có quyết định từ nhiều năm; 625 căn Công ty chưa nhận Quyết định bố trí, nằm rải rác ở các tòa nhà, có những tòa nhà đã đưa vào sử dụng từ năm 2004. Trước thực tế này, các thành viên Ban Kinh tế Ngân sách băn khoăn đây có phải là thực trạng "thừa thì cứ thừa, thiếu cứ thiếu" căn hộ TĐC, bởi nhiều quận, huyện thiếu nhà TĐC để GPMB, nhưng nhà bỏ không vậy có dẫn đến hư hỏng, làm sao để sử dụng hiệu quả tài sản của Nhà nước.
Chưa có chính sách rõ ràng trong quản lý chung cư tái định cư
Chưa có chính sách rõ ràng trong quản lý chung cư tái định cư
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trí Dũng lý giải: Những căn chưa có người đến ở không phải là trống hoàn toàn vì đã bố trí TĐC, nhưng đúng là có những trường hợp đã nhiều năm, người dân không đến nộp tiền, nhận nhà. Sở đã đề xuất TP rà soát, phân loại, và đề xuất hướng giải quyết. Với những căn hộ chưa có quyết định bố trí đều đã thỏa thuận về nguyên tắc với các dự án, nhưng do dự án chậm, treo. Hiện, Sở cũng cũng đang rà soát và thu lại, khi nào cần sẽ bố trí. 

Quanh việc cấp Giấy chứng nhận (GCN) sở hữu nhà cho các hộ dân, theo lãnh đạo Công ty, hiện, tổng số căn hộ 9.683/13.971 căn đủ điều kiện cấp GCN (trong đó, quận huyện đã cấp GCN sở hữu cho 7.750 căn), 4.428 căn chưa đủ điều kiện cấp GCN. Đoàn giám sát cho rằng,  tiến độ như vậy là quá chậm. Nhưng lãnh đạo Công ty giải thích, việc ký GCN là của chính quyền địa phương, Công ty chỉ "có lỗi một phần", nhưng những hộ chưa được cấp GCN phần lớn là do chưa đủ điều kiện hoặc mua đi bán lại.

Tăng công khai cơ chế vận hành

Thành lập Ban quản trị tại các tòa nhà là một vấn đề được quan tâm bởi rất nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo Công ty, dù đã tuyên truyền, vận động, phát tài liệu hướng dẫn, nhưng hiện mới thành lập được l4 Ban quản trị trong 16 tòa nhà, tương đương với 10% số tòa nhà TĐC trên địa bàn. Nguyên nhân đạt tỷ lệ thấp  do các hộ dân không thấy lợi ích khi bầu Ban quản trị.

Từ việc không thành lập được Ban quản trị ở tất cả các tòa nhà, nên việc sử dụng quỹ bảo trì 2% cũng khác nhau. Với tòa nhà có Ban quản trị, số tiền này do Ban giữ và quyết định chi, còn các tòa được chuyển vào tài khoản của Công ty. Số kinh phí bảo trì của 149 tòa nhà có số dư đến cuối tháng 6 gần 43 tỷ đồng. Nhưng theo lãnh đạo Công ty, để sử dụng được, phải có sự đồng thuận của người dân. Có những tòa nhà, người dân không đồng tình sử dụng kinh phí này dù xảy ra hỏng hóc lớn và chỉ đồng ý để sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Hơn thế, kinh phí bảo trì của tòa nhà này không được phép sử dụng cho tòa nhà khác. Trong khi các tòa nhà đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng, nhiều thiết bị dùng chung như thang máy, máy phát điện… đã chuyển sang giai đoạn vận hành trục trặc, nhưng do kinh phí không có hoặc ít, dẫn đến không duy tu được. Từ đó dẫn đến đơn thư khiếu nại. “Để giải quyết vấn đề này rất nan giải. Công ty đề nghị TP hỗ trợ để có kinh phí trong bảo trì nhà chung cư TĐC” - đại diện Công ty nói và cho biết thêm, trong khi mức phí dịch vụ thấp và mức thu chỉ đạt 70 - 80%, Công ty phải xin phép TP cho để lại toàn bộ tiền thu từ cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ để bù vào việc bảo trì, vận hành các tòa nhà.

Trước những khó khăn Công ty đưa ra, trong đó có nhiều tồn tại đã nói nhiều lần và nhiều năm, nhiều thành viên Đoàn giám sát cho rằng, càng "tích lũy" thì thời gian tiếp theo sẽ càng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập lớn hơn. Do đó, nên xem xét đến việc có tiếp tục mô hình quản lý nhà chung cư TĐC như hiện nay không (?). Vì không chỉ đơn thuần là quản lý nhà mà còn liên quan đến đời sống người dân, quản lý của chính quyền địa phương.

Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Nguyễn Văn Nam cho rằng, những vướng mắc hiện nay có nguyên nhân từ chính sách không rõ ràng, chưa phân định được trách nhiệm, quyền hạn của các bên tham gia quản lý. Thực tế này đã thấy rõ và được đề cập nhiều, nhưng việc tham mưu để tháo gỡ cũng không tập trung, chủ yếu giải quyết sự vụ, không gỡ được cái gốc của vấn đề. Do đó, rất cần các công ty, các sở, ngành chức năng tham mưu, kiến nghị về mô hình quản lý, cơ chế quản lý. Nên chăng, có thể áp dụng cơ chế đặt hàng vận hành, bảo trì các tòa nhà. Còn lại tiền từ diện tích kinh doanh dịch vụ cần nộp vào ngân sách cho đúng Luật. Đồng thời, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà cần tăng cường hơn nữa việc công khai cơ chế vận hành, thu chi, bảo dưỡng để người dân thấy rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần