Chưa có doanh nghiệp đủ điều kiện làm cá cược thể thao nên chưa triển khai

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên họp 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/8, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô LÂm về vấn đề cá cược bóng đá trên mạng.

Nguyên nhân chưa thực hiện Nghị định về kinh doanh cá cược?

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thực tế đánh bạc, cá cược bóng đá trên mạng dù bị triệt phá, đấu tranh nhiều song không hề giảm đi mà hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng nguyên nhân chủ quan một phần do chưa thực hiện được Nghị định năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược, trong đó có bóng đá quốc tế. Nghị định này được bộ nghiên cứu cả chục năm mới ban hành song tới nay không thực hiện mà không rõ nguyên nhân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi về các độ bóng đá.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi về các độ bóng đá.

Ông Phạm Văn Hòa cho biết: “Có ý kiến cho rằng nên cho phép hoạt động đặt cược để quản lý chặt chẽ hơn, thu được thuế, hạn chế hoạt động lén lút vì không cho chơi họ vẫn chơi. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao, có nên tổ chức thực hiện theo Nghị định của Chính phủ hay không?”

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết lý do chưa triển khai thực hiện được như tinh thần Nghị định của Chính phủ năm 2017 vì chưa chọn được đơn vị nào làm đầu mối về cá cược thể thao.

“Hiện, chưa có doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện làm cá cược thể thao nên chưa triển khai. Quan điểm của chúng tôi là đã có nghị định thì thực hiện. Chúng tôi ủng hộ thực hiện để giảm hành vi bất hợp pháp” – Đại tướng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nghị định 06/2017/NĐ-CP quy định về việc kinh doanh, quản lý hoạt động kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định nêu rõ 3 loại hình đặc cược được phép kinh doanh là đặt cược đua ngựa, đua chó và đá bóng quốc tế.

Để được tham gia đặt cược, Nghị định quy định người chơi phải đảm bảo điều kiện là đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; cũng như cụ thể các đối tượng không được phép tham gia đặt cược.

Giải trình thêm về việc chưa thực hiện cá cược thể thao, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói trước khi Luật Thể thao ban hành thì Nghị định 06 cho phép thí điểm nội dung này. Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp tổ chức thực hiện. Nhưng đây là lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên dù có nghị định nhưng những hoạt động này chưa diễn ra.

Sau khi được thể hiện trong Luật Thể thao năm 2018, Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì thực hiện. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét về chuyên môn như quy chuẩn kỹ thuật trường đua có đủ điều kiện không; thế nào là một giải đua; kết nối với các liên đoàn bóng đá nắm thông tin.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Luật thể thao năm 2018 luật hóa và phân cấp rõ, giao Bộ Tài chính. Bộ VH-TT-DL chỉ được giao việc thẩm định công tác chuyên môn, như quy chuẩn kỹ thuật trường đua có đủ điều kiện hay không, với bóng đá quốc tế thì xem xét kết nối các liên đoàn để nắm rõ thông tin cung cấp cho các cơ quan”.

Ba địa phương đề xuất xây trường đua ngựa

Tham gia giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Sau đó Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này. Năm 2020, Thủ tướng đã cấp phép chủ trương tổ chức đua ngựa tại trường đua huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Nhưng đến nay, do nhiều vướng mắc nên việc này chưa thực hiện được vì liên quan đến góp vốn của Tổng công ty Du lịch Hà Nội. Với việc này, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Còn khi dự án đua ngựa, đua chó hoàn thành, Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về đặt cược. Đến nay, chưa có dự án nào hoàn thành.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Hiện, có ba địa phương là Phú Yên, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc đề xuất chủ trương đầu tư trường đua ngựa. Nhưng các địa phương đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có hồ sơ. Còn về đặt cược bóng đá quốc tế, Chính phủ quy định phải đấu thầu lựa chọn một doanh nghiệp đứng ra thực hiện kinh doanh đặt cược bóng đá. Nhưng việc này lại vướng Luật Đấu đầu, bởi trong luật không có hình thức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp mà chỉ có đấu thầu dự án hoặc gói thầu của dự án.

Bộ Tài chính đã xin ý kiến bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tư pháp, và sẽ sửa Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi này.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng giải trình tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng giải trình tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Về góc độ quản lý chuyên môn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước khi Luật Thể thao ban hành, Nghị định 06 của Chính phủ đã cho phép thí điểm nội dung này. Trong Nghị định 06, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì để soạn thảo và để phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên thời gian đó, Bộ VHTT&DL được biết, mặc dù đã có Nghị định nhưng những hoạt động này vẫn chưa diễn ra. Sau khi luật hóa được thể hiện trong Luật Thể thao năm 2018, tinh thần này được phân cấp rất rõ và giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì, còn Bộ VHTT&DL chỉ được giao việc thẩm định công tác chuyên môn. Cụ thể là xem xét về mặt kỹ thuật, quy chuẩn trường đua, có đủ điều kiện không, thế nào là một giải đua và thể thức; hoặc về bóng đá, với bóng đá quốc tế thì xem xét với các Liên đoàn để nắm rõ thông tin và cung cấp cho các cơ quan. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, như vậy không phải Bộ VHTT&DL là cơ quan quyết định tổ chức các giải này theo quy định.