Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng điều hành Phiên giải trình. Tham dự Phiên giải trình có Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo các Bộ Nội vụ, Y tế, KH&CN….
Tại Phiên giải trình, các đại biểu đã xem xét, đánh giá về tình hình thực hiện quy định pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, trách nhiệm của các cơ quan. Qua đó, kiến nghị biện pháp để khắc phục các bất cập, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về vấn đề này, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về đổi mới cơ chế, phương thức quản lý đối với viên chức.
Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, thực hiện chủ trương phân cấp trong quản lý viên chức, một số nhiệm vụ được Chính phủ giao, từ năm 2012 đến nay, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 14 Nghị định và ban hành 8 thông tư theo thẩm quyền để quy định chi tiết các nội dung liên quan đến quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp liên quan đến tuyển dụng, thăng hạng, đánh giá, kỷ luật… viên chức. Bộ Nội vụ cũng phối hợp với các bộ ngành ban hành 59 Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp của 216 hạng chức danh nghề nghiệp trong tổng số 70 chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc 12 lĩnh vực.
Việc phân cấp cho bộ, địa phương quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý giúp bộ, địa phương đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của đơn vị mình. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nội vụ thừa nhận, việc phân cấp thẩm quyền này là cần thiết, nhưng cũng dẫn đến tình trạng cùng một vị trí viên chức lãnh đạo, quản lý thì tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại không giống nhau ở từng địa phương. Đối với quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành đã quy định cơ bản đầy đủ về mã số, tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Song, một số bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa ban hành đầy đủ mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng. Một số chức danh nghề nghiệp yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng, nhưng nhiều nội dung của chương trình bồi dưỡng còn trùng lắp với chương trình đào tạo.
Các đại biểu là thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã các câu hỏi về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đồng thời lưu ý, cần có giải pháp để tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý không thống nhất giữa các địa phương gây băn khoăn trong các viên chức làm việc ở đơn vị sự nghiệp.
Cùng với đó, một số đại biểu cũng nhấn mạnh, từ Nghị định đến Thông tư vẫn có dáng dấp quản lý viên chức như công chức, trong khi đó bước chuyển quan trọng nhất của Luật là từ quản lý theo ngạch sang chức danh nghề nghiệp. Qua khảo sát ở địa phương thì quy định này gây khó khăn cho cơ sở khi không đáp ứng được tiêu chuẩn. Do đó, Bộ Nội vụ và các bộ liên quan cần có văn bản hướng dẫn cho các địa phương thực hiện để thu hút, tuyển dụng được các viên chức có chất lượng cao cho đơn vị sự nghiệp, cũng như tránh tùy nghi trong áp dụng.
Một số đại biểu lưu ý, các Bộ, ngành cần có giải pháp để thống nhất quản lý tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị, vì có một số địa phương yêu cầu trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên với một số chức danh, có địa phương lại yêu cầu áp dụng với toàn bộ các chức danh. Tương tự, tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý không thống nhất giữa các địa phương gây băn khoăn trong các viên chức làm việc ở đơn vị sự nghiệp.
Đối với vấn đề tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý khác nhau giữa các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý, tuyển dụng viên chức mang tính chất tiêu chuẩn sàn. Việc bổ nhiệm, tuyển dụng viên chức nên giao cho các bộ, ngành, địa phương được quy định cao hơn để đáp ứng đòi hỏi thực tế từng địa bàn, không trái với tiêu chuẩn chung được xác định.
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng lưu ý, vẫn còn một số bất cập, khó khăn, vướng mắc đang đặt ra như: Chậm trễ ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chưa thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của các Bộ, ngành với các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; trong quá trình xây dựng, ban hành chưa nghiên cứu đầy đủ, đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo những quy định phù hợp với thực tiễn…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, Phiên giải trình là cơ hội đề các Bộ, ngành hữu cần nhận diện rõ những tồn tại, vướng mắc này, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan để có giải pháp đồng hành cùng tháo gỡ. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập, xây dựng đội ngũ viên chức có năng lực, trình độ, trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong lĩnh vực nhiệm vụ được giao.
Giải trình các vấn đề nêu trên trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nội hàm việc phân hạng giáo viên đều bám sát những đòi hỏi thực tế trong sử dụng, quản lý giáo viên. Khảo sát trên 500.000 ý kiến của giáo viên thuộc các nhóm, vùng miền khác nhau về việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thì đa số ý kiến đồng tình với phân hạng giáo viên.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đội ngũ nhà giáo là nguồn lực quan trọng nhất của ngành để nâng cao chất lượng giáo dục, nên việc gì có thể nâng cao điều kiện công tác, chất lượng giáo dục thì Bộ đều không quản ngại thực hiện. “Vừa qua, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, rà soát thực tế, qua đó bãi bỏ hiệu lực của một số quyết định của Bộ trưởng, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện mới…”-Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biêt. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cho các địa phương, đơn vị sự nghiệp.