Chưa được quan tâm đúng mức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 4 năm triển khai đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số" theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 4/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 554), nhận thức về pháp luật của người dân bước đầu đã được nâng lên. Mặc dù vậy, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm tới công tác này.

Mới đạt 50% mục tiêu

Một trong những cơ quan nòng cốt thực hiện Đề án 554 là T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, được giao nhiệm vụ huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn. Mục tiêu đặt ra cho Hội giai đoạn 2009 - 2012 là 50% hội viên nông dân được cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản. Tuy nhiên, đến nay, đã bước sang nửa năm 2013, kết quả thực hiện mới đạt 50% mục tiêu đề ra, với việc tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các văn bản pháp luật cho hơn 11,6 triệu người. Trong đó, rất nhiều nội dung của Đề án như đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng mô hình thí điểm, biên soạn, in ấn tài liệu, tổ chức hội nghị TTPBPL cho nông dân... đều không đạt mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân vẫn còn hạn chế.

 Theo ông Phạm Tiến Nam, Chánh Văn phòng T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, đến nay, ngoài mục tiêu chưa đạt, nội dung về xây dựng và duy trì các mô hình điểm về TTPBPL cũng còn hạn chế do đội ngũ cán bộ Hội các cấp còn lúng túng trong việc triển khai.

Chưa được quan tâm đúng mức - Ảnh 1

Hội thi tìm hiểu pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số bằng hình thức sân khấu hóa. Ảnh: Quang Thiện

Tính đến nay, cả nước mới có 35/63 tỉnh, TP phê duyệt Đề án 554 cấp tỉnh. Còn lại 28 tỉnh, TP không có báo cáo về hoạt động này mặc dù đã được đoàn kiểm tra liên ngành chỉ đạo và nhắc nhở nhiều lần. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, việc triển khai Đề án 554 chậm trễ là do lãnh đạo tỉnh, TP thiếu trách nhiệm, chưa quan tâm đúng mức. "Nếu chỉ riêng Bộ NN&PTNT và các cơ quan T.Ư vào cuộc thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ" - bà Hiền chia sẻ.

 Tích cực vào cuộc

Cả nước hiện có hơn 60 triệu người sống ở nông thôn. Bởi vậy, công tác TTPBPL cho người nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện luật pháp. Thực tế, nơi nào làm tốt công tác này thì khiếu kiện của nhân dân giảm rõ rệt. Do đó, theo bà Hoàng Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc), trong thời gian tới, các địa phương cần tích cực, nỗ lực hơn nữa trong công tác TTPBPL cho nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục. Trong đó, cần chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành tham gia tuyên truyền ở cơ sở.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, Trưởng Ban điều hành Đề án 554 nhận định, việc triển khai thực hiện Đề án 554 chính là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, các địa phương cần quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch và phân bổ kinh phí cho hoạt động của Đề án này, lồng ghép TTPBPL với các chương trình, dự án khác. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện Đề án.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả TTPBPL, cần đổi mới, đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của người dân trên địa bàn, kết hợp với xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, bản. Trong đó, chú trọng tới tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa và mời những người có uy tín ở địa phương như già làng, trưởng bản, các thầy cô giáo, bộ đội... tham gia tuyên truyền, vận động.