Chưa giảm giá xăng dầu: Sự hoài nghi là có căn cứ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Tôi không không đồng tình chủ trương sẽ khôi phục thuế nhập khẩu khi giá thế giới giảm. Thuế đúng là một nguồn thu để chi đảm bảo cho an sinh xã hội.

Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng rất nhạy cảm với đời sống người dân. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, một lít xăng dù giảm chỉ 500 đồng cũng đã là rất quý với người lao động, đặc biệt với những người có thu nhập thấp" - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định như vậy khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

Theo qui định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước được tính toán trên giá xăng dầu thế giới dự trữ lưu thông trong 30 ngày. Theo ông, cách tính này có hợp lý?

Tôi không bình luận chuyện đúng sai của cách tính giá xăng dầu. Chỉ có điều, chúng ta đã công bố là điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường . Mà thị trường lên xuống từng ngày, từng giờ. Vậy mà chúng ta phải đợi đến 30 ngày nhập khẩu mới được tăng giảm. Đó là điều bất hợp lý.

DN kinh doanh xăng dầu luôn kêu lỗ và đòi hỏi người dân phải chia sẻ. Thế nhưng khi bắt đầu lãi, DN lại không hề có sự sẻ chia với người dân. Tại sao, thưa ông?

Trong vòng 3 - 4 năm qua, không khi nào Petrolimex (DN chiếm đến 60% thị phần kinh doanh xăng dầu) không "kêu" lỗ. Thế nhưng, bản cáo bạch của DN này khi chuẩn bị lên sàn chứng khoán lại cho thấy, năm 2008, Petrolimex lãi trên 900 tỉ, năm 2009 lãi 2.880 tỉ đồng, năm 2010 lãi 81 tỉ đồng, dự kiến lãi cả năm 2011 khoảng 598 tỉ đồng.

Khi được chất vấn vì sao "anh lãi" mà luôn kêu lỗ, DN này giải thích, số lãi đó là do các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu. Hoạt động kinh doanh chính lỗ, kinh doanh phụ lãi, tại sao anh không thôi kinh doanh xăng dầu chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác đi? Tiền hậu bất nhất là vậy. Thế nên, sự hoài nghi của người dân là có căn cứ.

Xin cảm ơn ông!