Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa phù hợp để bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp đại học

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng tốt nghiệp trình độ đại học (ĐH) sẽ không ghi loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, không phân biệt chính quy hay tại chức. Đây là những qui định được đưa vào Dự thảo lần 1 Thông tư về nội dung chính của văn bằng ĐH vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến.

Văn bản này là hướng dẫn cụ thể của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019).
Dự thảo Thông tư quy định bỏ xếp loại thứ hạng khá, giỏi trên bằng tốt nghiệp khiến dư luận quan tâm.

Gây khó dễ cho sinh viên và doanh nghiệp

Sau khi Dự thảo Thông tư này ban hành, nhiều sinh viên (SV) bày tỏ sự lo lắng. Theo em Nguyễn Ngọc Huyền (Học viện Báo chí & Tuyên truyền), ai cũng biết học tập rất áp lực và thể hiện kết quả ở giá trị của tấm bằng. Vì vậy, việc bỏ xếp loại bằng sẽ không tạo động lực cho SV nỗ lực phấn đấu.

“Mình cho rằng, sự cố gắng của SV thể hiện qua từng bài học, bài tập và sự tìm tòi, sáng tạo với mong muốn làm đẹp cho tấm bằng, nếu bỏ xếp loại, SV sẽ thấy mất công bằng vì người điểm 5 cũng bằng điểm 9, 10” - Huyền nói.

Ra trường có thành tích xuất sắc, bằng “ngon” là mong muốn của các bạn SV khi học nghề hay ĐH. Bạn Lê Mai Trang (ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội) cho biết, tất cả SV đều muốn ra trường có công việc ổn định, để được như vậy, đơn vị tuyển dụng sẽ nhìn vào kết quả của tấm bằng tốt nghiệp. Ý thức được vấn đề này, ngay từ đầu năm học, ngoài thời gian học ở lớp Trang đã lên thư viện, các trang trên Facebook để tìm tài liệu học tập. Trải qua 1 năm, kết quả học tập của em đạt xuất sắc.

Trang cho hay: “Mình luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng học tập để có kết quả tốt, dù áp lực khó khăn không được nản chí. Nếu bỏ xếp loại bằng đồng nghĩa với kết quả học tập cao cũng ngang bằng bạn học trung bình”.

Không chỉ bằng tốt nghiệp giỏi, xuất sắc là đích đến của SV mà đó cũng là tiêu chí của nhiều DN khi tuyển dụng. Đại diện 1 DN trên địa bàn Thủ đô cho biết, đầu tiên khi tuyển nhân viên vào từng phòng, ban thì lãnh đạo sẽ xem bằng tốt nghiệp loại gì, sau đó quan trọng hơn là thể hiện ở việc làm cụ thể. Việc bỏ xếp loại thứ hạng sẽ gây khó dễ cho SV và DN.

Đánh giá về Dự thảo này, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT Hoàng Ngọc Vinh cho biết, bỏ xếp loại thứ hạng trên bằng tốt nghiệp cũng là cách làm phù hợp. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT phải giải thích lý do cho phù hợp. Dư luận cho rằng, nếu bỏ xếp loại SV sẽ mất động lực học tập, mà thị trường lao động Việt Nam chưa minh bạch.

Theo TS Vinh, cuối cùng vẫn tin tưởng nhất vào đội ngũ giáo viên, nhận xét trung thực dựa vào bảng điểm. Còn việc Bộ GD&ĐT giải thích Dự thảo như vậy là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới hoàn toàn không đúng.

Giá trị bằng tại chức và chính quy như nhau

Về việc bỏ xếp loại thứ hạng trên bằng tốt nghiệp, theo Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội PGS.TS Trần Văn Tớp, các nước trên thế giới áp dụng hình thức này, còn ở Việt Nam, bằng tại chức có tổ chức đào tạo khác nên quan niệm bằng này không được như bằng chính quy.

Để 2 bằng như nhau, các cơ sở giáo dục ĐH, chất lượng đào tạo, vấn đề khảo thí hay cách đánh giá điểm đều phải như nhau. Tránh tình trạng tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo khác nhau nhưng bằng lại giống nhau.

Từ trước đến nay, bằng tiến sĩ không có phân loại. Tuy nhiên, việc phân loại sẽ tạo động lực cho người học. Ở bên Nga còn chia ra bằng xanh và bằng đỏ (người có lực học xuất sắc). Nếu không ghi xếp loại lực học trên bằng ĐH thì cần phải ghi ở trong bảng điểm. Lực học thể hiện sự cố gắng của người học và là căn cứ để người tuyển dụng biết SV này có ý thức học tập tốt và có khả năng học tập.

Về vấn đề tên bằng ĐH ghi chung là bằng cử nhân, PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng điều đó phù hợp với toàn thế giới. Hiện ở một số nước mà có truyền thống cấp bằng kỹ sư thì giờ đã bỏ, như ở Nga hiện cấp bằng theo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.

Ở Mỹ, những người học ngành kĩ thuật khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân kĩ thuật. Sau khi ra trường, đi làm một thời gian ở lĩnh vực đó, trải qua một kỳ thi kiểm tra thì mới được Hiệp hội Kĩ sư cấp bằng kĩ sư. Hay ở Pháp, bằng kĩ sư tương đương thạc sĩ, khi làm tiến sĩ người học không cần học thạc sĩ nữa.

“Lâu dài chúng ta cần hội nhập với thế giới, nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp thì vẫn cấp bằng kĩ sư. ĐH Bách Khoa Hà Nội cấp cả bằng cử nhân và bằng kĩ sư. SV muốn dừng ở cử nhân xong học lên thạc sĩ thì cũng được, ai muốn chuyển sang đi theo hướng kỹ sư luôn cũng được. Cá nhân tôi quan niệm bằng kĩ sư là bằng sau ĐH", PGS.TS Trần Văn Tớp nói.

Tương tự, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng, bằng tại chức và chính quy có giá trị như nhau thì cần phải nâng cao chất lượng đào tạo tại chức để có chất lượng như chính quy.

Trong ngành y có hệ cử nhân y khoa và bác sĩ y khoa. Nếu ghi chung thì không phân biệt được vì cử nhân y khoa chỉ có 4 năm còn bác sĩ y khoa là 6 năm. "Theo tôi hệ bác sĩ vẫn phải ghi là bằng bác sĩ và đương nhiên trình độ bác sĩ đã có cử nhân rồi. Tôi cũng nghĩ rằng bảng điểm học tập nên đi cùng tấm bằng và nhà tuyển dụng cần xem xét kết quả học tập đó", TS Nguyễn Hữu Tú cho hay.