Chùa Quán Sứ: Đông đảo phật tử tham dự Đại lễ Phật đản 2025
Kinhtedothi – Ngày 12/5 (tức 15/4 Âm lịch), đông đảo phật tử, người dân và du khách thập phương tới chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) dự Đại lễ Phật đản 2025.
Ngày 12/5 (tức ngày 15/4 Âm lịch), tại chùa Quán Sứ, trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 (dương lịch 2025) đã được tổ chức long trọng trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn phật tử trên cả nước về chùa Quán Sứ đón mừng lễ Phật đản với lòng thành kính và niềm hân hoan, tạo nên không khí thiêng liêng và trang trọng.
Các phật tử xếp hàng nghiêm trang trong chùa Quán Sứ đón mừng lễ Phật đản
Đông đảo các Phật tử đến tham dự Đại lễ.
Đại lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ năm nay có sự tham dự và chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng chư Tôn đức Giáo phẩm và đông đảo tăng ni, phật tử.
Không chỉ mang giá trị tâm linh sâu sắc, Đại lễ Phật đản còn là dịp nhắc nhớ mỗi người về tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình, những giá trị cốt lõi trong lời dạy của Đức Phật, từ đó hướng đến đời sống an lạc, hài hòa và nhân văn.
Phật tử trang nghiêm tụng kinh, tham dự đầy đủ các nghi lễ kính mừng ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh.
Đây cũng là dịp để mỗi người chiêm nghiệm lại lời dạy từ bi, trí tuệ của Đức Phật, hướng đến lối sống thiện lành và an hòa.
Điểm nhấn của buổi lễ là nghi thức tắm Phật, một nghi lễ thiêng liêng, giàu ý nghĩa biểu tượng trong ngày Phật đản.
Dưới sự dẫn lễ của chư Tôn đức, các Phật tử và người dân lần lượt tiến lên phía trước, thành kính múc ba gáo nước rưới lên tượng Phật, với mong muốn gột rửa ba nghiệp: thân – khẩu – ý, để tâm được thanh tịnh, trí được khai mở và hành vi được thiện lành.
Lễ Phật đản, hay còn gọi là lễ Vesak, được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ văn hóa, tâm linh quan trọng của nhân loại. Đây là một trong ba ngày đại lễ quan trọng nhất của Phật giáo, bên cạnh lễ Thành đạo và lễ Vu Lan.
Đặc biệt, lễ Vesak được gọi là "ngày lễ Tam hợp" bởi trong cùng một ngày, người Phật tử khắp nơi cùng tưởng niệm ba sự kiện thiêng liêng gắn liền với cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025, xá lợi Đức Phật được cung nghinh và an vị tại 4 ngôi chùa lớn trên cả nước. Từ ngày 13 đến 16/5, chùa Quán Sứ còn là nơi tôn trí xá lợi Phật - một trong những bảo vật thiêng liêng bậc nhất của Phật giáo, được cung nghinh từ Ấn Độ.
Vào 15 giờ ngày 13/5, xá lợi Đức Phật sẽ được rước từ sân bay Nội Bài, đi qua các tuyến đường: Cầu Nhật Tân - Võ Chí Công - Đào Tấn - Kim Mã - Lê Duẩn - Trần Nhân Tông - Trần Bình Trọng - Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô - chùa Quán Sứ. Đến 18 giờ ngày 13/5, nghi lễ cung rước xá lợi Đức Phật quanh hồ Hoàn Kiếm bắt đầu được tiến hành. Đoàn cung rước từ chùa Quán Sứ đi qua các tuyến phố: Lý Thường Kiệt - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng - Hồ Hoàn Kiếm - Bà Triệu - Lý Thường Kiệt và trở lại chùa Quán Sứ.
Ngày 14 - 16/5, xá lợi Phật sẽ được tôn trí tại hội trường chùa Quán Sứ để phật tử và nhân dân đến chiêm bái, đỉnh lễ. Chùa mở cửa cho khách thập phương chiêm bái xá lợi từ 7 giờ đến 21 giờ 30.

Quận Hoàn Kiếm tổ chức Đại lễ Phật đản
Kinhtedothi - Ngày 10/5, tại chùa Bà Đá, Ban trị sự Phật giáo quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2563 và sơ kết công tác Phật giáo năm 2019.

Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Lễ Phật đản
Kinhtedothi - Nhân dịp mừng Lễ Phật đản (Phật lịch 2563 – Dương lịch 2019), sáng 15/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và chúc mừng Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).

Tại sao có nghi thức tắm Phật trong Đại lễ Phật đản?
Kinhtedothi - Trong Đại lễ Phật đản, tắm Phật là một trong nghi thức được thực hiện một cách trang nghiêm. Đây là một nghi lễ thiết yếu của Đại lễ Phật Đản hằng năm.